Nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm 2020, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN. Nắm bắt cơ hội này, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở rộng sản xuất, ký các đơn hàng với đối tác nước ngoài và đi vào sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới.
Công nhân Công ty CP Liên hợp Mê Kông ép đầu dây cáp thép tại xưởng. |
TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, năm 2019 là một năm khó khăn của ngành dệt may nói chung, Công ty CP May Vũng Tàu nói riêng. Kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 1,5 triệu USD, giảm 20% so với năm 2018. Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Anh, Australia nên ảnh hưởng từ vụ Brexit của Anh cũng như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến các đơn hàng từ các thị trường này. Những tháng đầu năm 2019, đơn hàng giảm mạnh, nhưng đến quý III/2019 với nỗ lực của DN cũng như tác động từ thị trường thế giới, các đơn hàng đã dần phục hồi. Công nhân phải tăng ca để kịp giao các đơn hàng cuối năm 2019 và đầu tháng 1/2020 cho đối tác. Theo ông Quý, dự báo năm 2020, thị trường xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn, trong đó có dệt may, nên cơ hội mở rộng thị trường cũng sẽ tăng lên. Hiện nay, DN đã có đơn hàng đến tháng 5/2020 cho các đối tác truyền thống là Anh, Australia. DN cũng đang nghiên cứu mở rộng ra thị trường Đức, Nhật Bản… và tiếp tục đàm phán với các đối tác cho các đơn hàng 6 tháng cuối năm 2020. Để bảo đảm các đơn hàng đầu năm và các đơn hàng đã ký trong năm 2020, DN đã chủ động nhập nguyên liệu và ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý (ngày 3/2), công nhân trở lại làm việc để kịp giao đơn hàng với sản lượng vài chục ngàn sản phẩm sau 2 tuần nữa. Năm 2020, DN phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,65 triệu USD, tăng khoảng 10% cả về kim ngạch lẫn sản lượng so với năm 2019.
Còn tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) năm 2019, việc sản xuất, kinh doanh các thiết bị nâng hạ cho ngành dầu khí tương đối khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn bảo đảm công việc và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Ngoài cung cấp các thiết bị nâng hạ cho các khách hàng truyền thống, sản phẩm dây cáp vải của Công ty con Dragon Sling đã được xuất khẩu sang thị trường Australia. Năm 2020, công ty cũng đề ra nhiều mục tiêu trong đó, chủ yếu sẽ tập trung sản xuất các loại sản phẩm như dây cáp thép, cây cáp vải, palăng, còn các phụ kiện chuyên sâu khác công ty sẽ hợp tác với các đối tác Hà Lan, Mỹ để sản xuất. Bên cạnh đó, công ty sẽ thực hiện đổi mới quy trình sản xuất, để tăng năng suất lao động. Về kế hoạch phát triển sản xuất, thị trường, đối với Công ty con Dragon Sling đang hợp tác với đối tác Nhật Bản để sản xuất các loại dây cáp vải. Nếu sản xuất thành công, sản phẩm này sẽ được xuất khẩu sang chuỗi cung ứng của hệ thống siêu thị công nghiệp tại Nhật Bản. Đối với công ty mẹ Mekong Sling, sẽ áp dụng công nghệ để sản xuất dây cáp siêu trường siêu trọng phục vụ cho việc nâng hạ các thiết bị tải trọng lớn. Kỳ vọng trong năm 2020, các mục tiêu của DN không những đạt mà còn vượt và các sản phẩm vươn tầm xa hơn ra thị trường quốc tế.
NÂNG CAO GIÁ TRỊ VÀ KIM NGẠCH XUẤT KHẨU
Năm 2019, lợi nhuận của Công ty CP Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) đạt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng ổn định, dù nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến hải sản ngày càng khan hiếm. Một trong những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng đó một phần đến từ cơ hội của các hiệp định thương mại tự do. Bằng chứng là lượng hàng xuất khẩu của Coimex vào thị trường châu Âu có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2017, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu thì năm 2019, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này tăng lên 60%. Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT công ty, châu Âu là thị trường khó tính nên để có được kết quả này, công ty luôn chú trọng và tuân thủ các quy định hàng hóa từ khâu nhập nguyên liệu đến thành phẩm. Để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu ngày càng tăng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, công ty đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu, đầu tư máy móc để giảm nhân công và các chi phí không cần thiết và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, DN tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường để nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của ngành công thương, sự tăng trưởng của xuất khẩu là nỗ lực không ngừng của DN trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề để đáp ứng những đơn hàng khó của đối tác nước ngoài. Bằng chứng là những hợp đồng xuất khẩu lớn vẫn được các DN xuất đi trong những tháng đầu năm, kể cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Năm 2020, tỉnh đã đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 7,54 tỷ USD, tăng 8,99% so với năm 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô dự kiến đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 10,07% so với năm 2019. Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là chủ động trong công tác điều hành, tận dụng cơ hội xuất khẩu; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho DN xuất nhập khẩu. Ngoài nỗ lực của DN, những chính sách hỗ trợ của tỉnh, của ngành sẽ là tiền đề để DN mạnh dạn đầu tư máy móc, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của tỉnh vươn xa ra thế giới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU