Đầu tháng 2/2020, Brand Finance, Công ty Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng (Brand Finance Banking 500) lớn nhất toàn cầu năm 2020. 9 ngân hàng Việt Nam có mặt trong danh sách này.
Vietcombank là đơn vị nhiều năm liền lọt vào bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Vũng Tàu. |
Brand Finance là công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới được thành lập vào năm 1996 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Với kinh nghiệm và chuyên môn cao trong việc đánh giá thương hiệu, Brand Finance đánh giá hơn 5.000 thương hiệu hàng đầu thế giới cùng việc công bố hơn 100 báo cáo hàng năm. Các thương hiệu được lựa chọn và đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí về thị phần, tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín thương hiệu trên truyền thông. Bảng đánh giá của Brand Finance luôn được coi là những nhận định chính xác, uy tín và cho thấy rõ “sức khỏe” của từng ngân hàng.
Theo đánh giá của Brand Finance, năm 2020, giá trị thương hiệu của ngân hàng Việt Nam tăng mạnh, với mức tăng 146% so với 2019. Có 9 ngân hàng Việt Nam lọt top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu, trong đó có thêm 5 gương mặt mới so với năm 2019 là: Agribank, Techcombank, MBBank, ACB, Sacombank. Thứ hạng của 5 ngân hàng mới lần lượt là 190, 327, 386, 420, 422. Có 4 ngân hàng tiếp tục có trong bảng xếp hạng như năm 2019 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank.
BIDV là 1 trong 4 ngân hàng có thứ hạng cải thiện tốt trong bảng xếp hạng, từ bậc 307 lên 276; tiếp tục được khẳng định là ngân hàng thương mại lớn về quy mô tài sản. Kết thúc năm 2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động của BIDV đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.768 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.
Riêng tại BR-VT, BIDV đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, tổng dư nợ tại BIDV chi nhánh BR-VT tăng trưởng 55,2% so với năm 2018; tăng trưởng huy động vốn 11,4%; tăng trưởng lợi nhuận đạt mức 17,7%.
Thứ hạng của giá trị thương hiệu Vietcombank, VPBank cũng được cải thiện rất tốt. Cụ thể, Vietcombank tăng từ 325 lên 207, VPBank tăng từ 361 lên 280. Riêng VietinBank, dù so với năm 2019 thứ hạng bị sụt giảm, từ 242 xuống 277. Tuy nhiên, đây là ngân hàng nhiều năm liền lọt vào bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Năm 2019, Vietinbank đã hoàn thành vượt các mục tiêu đề ra. Tăng trưởng tín dụng 7,2% so với cuối năm 2018; các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động đạt ở mức cao, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 43%, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%). Lợi nhuận riêng lẻ đạt gần 11,5 ngàn tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83%.
Theo Bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng, Ngân hàng ICBC của Trung Quốc vẫn giữ vị trí ngân hàng có thương hiệu giá trị nhất thế giới, phá vỡ mốc 80 tỷ USD. Các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh top 4 trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2020. 5 ngân hàng Mỹ nằm trong top 10, trong đó Wells Fargo vẫn dẫn đầu, JP Morgan đã tăng giá trị thương hiệu 15% và lọt vào top 10.
|
Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank, chi nhánh BR-VT cho biết: Năm 2019, chi nhánh cũng đạt được những kết quả khá tốt. Cụ thể, nguồn vốn huy động tại chi nhánh đạt 6.782 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2018, dư nợ cho vay đạt 4.616 tỷ đồng, tăng 8%...
Brand Finance nhận định, kể từ khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chiến lược để tăng cường trách nhiệm cũng như sức mạnh của hệ thống ngân hàng, gồm các yêu cầu chặt chẽ về vốn và tính minh bạch thì chất lượng hoạt động của ngân hàng ngày càng cải thiện. Các nhà phân tích đều có cái nhìn lạc quan vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt kể cả về mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và sự ổn định.
Bài, ảnh: PHAN HÀ