Phát triển bền vững các KCN luôn là mục tiêu mà BR-VT theo đuổi. Chủ trương này đương nhiên sẽ phải gạn lọc, hạn chế một số dự án, dẫn đến việc lấp đầy các KCN có thể chậm hơn. Nhưng bù lại, những dự án triển khai tại địa phương sẽ mang lại giá trị vững bền, ít gây tổn hại đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường.
Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (đoạn 1) hoàn thành, tạo thuận lợi cho các DN trong các KCN lưu thông hàng hóa. |
NÂNG CAO KHẢ NĂNG GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG
Môi trường là một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm hàng đầu hiện nay. Riêng đối với các KCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường, đặc biệt là đẩy mạnh giám sát hoạt động xả thải của các nhà máy trong các KCN.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, 10 KCN đã được đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động, trong đó có 6 KCN đã thực hiện việc truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành Quan trắc tự động của tỉnh để theo dõi, quản lý. Đặc biệt, 17/17 cơ sở sản xuất thép đang hoạt động trong KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, trong đó 6/6 nhà máy luyện phôi thép đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm điều hành Quan trắc tự động của tỉnh để quản lý.
Theo ông Võ Minh Tùng, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong KCN, BQL các KCN đã xây dựng “Quy chế phối hợp công tác quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, BQL các KCN là cơ quan đầu mối tổ chức việc phối hợp, tham gia và tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị gắn kết cùng thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường đối với KCN theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị phối hợp thường xuyên là Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND địa phương cấp huyện và các sở, ngành có liên quan.
Một trong những lợi thế của các KCN tại BR-VT là nằm gần hệ thống cảng nước sâu hiện đại. Trong ảnh: Tàu container Margrethe Maersk cập cảng CMIT. |
Cùng với chủ trương, chính sách của tỉnh BR-VT, các KCN cũng xác định phát triển phải “bền vững và hiệu quả”. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, KCN xây dựng hạ tầng theo hướng đạt chuẩn quốc tế, trong đó khâu xử lý nước thải được công ty đặc biệt coi trọng. Từ năm 2012, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chuyển đổi tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải từ cột B sang cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT. Nhà máy áp dụng quy trình công nghệ toàn diện bao gồm các công đoạn tách cặn, xử lý sinh học kết hợp hóa lý, ổn định bùn và khử trùng nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc nước thải tự động đã được trang bị theo quy định hiện hành, có thể hoạt động liên tục và giám sát nghiêm ngặt chất lượng nước thải sau xử lý. Số liệu quan trắc sau đó được gửi về Sở TN-MT nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường nước thải KCN trên địa bàn tỉnh.
THU HÚT ĐẦU TƯ CÓ CHỌN LỌC
Thời gian qua, sự hình thành và phát triển các KCN tập trung đã tạo sức hút các ngành có lợi thế như công nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu, gắn liền với phát triển hệ thống cảng và các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp, trong đó xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp mới như điện, sắt thép, phân bón, xây dựng cảng… Tất cả đã đưa BR-VT trở thành một trong những trung tâm lớn nhất Việt Nam về khí, điện, đạm - thép. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực về đất đai, tài nguyên ngày càng hạn chế, BR-VT đã xây dựng những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông (chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) cho biết, KCN Đất Đỏ 1 luôn chú trọng gắn kết giữa thu hút đầu tư và môi trường; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sạch, công nghệ cao và ít ô nhiễm. Với tổng diện tích gần 500ha, ngay từ khi bắt đầu xây dựng hạ tầng, KCN Đất Đỏ 1 ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động, không gây ô nhiễm môi trường như: Sản xuất máy móc, thiết bị; lắp ráp xe máy, xe đạp; Sản xuất thiết bị điện; Chế biến nông sản; Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản phẩm phục vụ du lịch; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính và chất bán dẫn...
Để phục vụ cho sự phát triển sắp tới, tỉnh BR-VT đang đặt quyết tâm đẩy nhanh việc khởi công, thi công cầu Phước An; sớm khởi công đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu; thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt kết nối Cái Mép với các KCN trong vùng để giảm chi phí logistics và kết nối tỉnh vào vùng kinh tế.
Năm 2019, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý các KCN được cấp phép đầu tư 7 loại hình dự án (không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh) gồm: Dự án sử dụng công nghệ cao; dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm; các dự án tương tự đã đầu tư trong các KCN (không gây ô nhiễm môi trường); đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ logistics; dự án trên 5.000 tỷ đồng có trong quy hoạch cấp thẩm quyền đã phê duyệt. |
Cùng với đó, tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải; thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các KCN. Mặt khác, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tích cực, thuận lợi; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư. Điều này được các DN kỳ vọng sẽ tạo thế và lực mới cho các DN đầu tư trong các KCN ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: THẢO NGA
-------------