Trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại một số địa phương ở Trung Quốc, các hộ chăn nuôi tại huyện Xuyên Mộc đã và đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống.
CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT THÔNG TIN ĐỂ GIẢM THIỂU RỦI RO
Với hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà, trung bình mỗi năm, gia đình ông Phạm Phước Hưng (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) xuất bán hơn 50.000 con gà ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Hưng cho biết, gia đình ông đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như mất trắng vì dịch bệnh xảy ra ở vật nuôi. Do đó, hơn ai hết ông luôn đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm được thông tin hiện dịch cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát trở lại tại một số địa phương ở Trung Quốc nên ông khá lo lắng. Để bảo vệ an toàn cho đàn gà, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, ông thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm.
Theo ông Hưng, dù thời điểm nào cũng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để đàn gia cầm luôn khỏe mạnh. Đặc biệt là trong thời điểm chuyển mùa, nguy cơ xuất hiện dịch rất cao, do đó gia đình ông thường xuyên phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ, lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi sát sao, khi đàn gà có biểu hiện lạ, sẽ tách đàn để theo dõi. Làm chặt chẽ như vậy để giảm bớt rủi ro trong chăn nuôi, thiệt hại kinh tế cho gia đình và tránh ảnh hưởng tới những hộ xung quanh.
Để tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm, nhiều hộ bổ sung thêm các nguồn thức ăn giàu chất xơ như bắp, lúa. Trong ảnh: Đàn gà ta thả vườn 5.000 con của gia đình anh Nguyễn Huy Tú, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. |
Cũng đang nuôi đàn gà hơn 5.000 con, anh Nguyễn Huy Tú (ấp 4B xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) luôn coi trọng việc phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm. Theo anh Tú, để đàn gia cầm khỏe mạnh, tiêm vắc xin là điều vô cùng cần thiết, do vậy, ngay từ lúc lấy giống về, anh tiến hành tiêm phòng cho toàn bộ đàn gà và thực hiện đầy đủ theo định kỳ ở những tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ở những thời điểm nhạy cảm, có thể nâng thời gian sát khuẩn lên 3-5 ngày/lần. Tăng cường rải vôi xung quanh chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, không để cơ hội cho vi khuẩn xuất hiện. “Mình đã đầu tư hết cả vốn liếng vào chăn nuôi nên không thể chủ quan được. Dịch tả heo châu Phi bùng phát năm vừa rồi là một bài học lớn cho nhiều hộ nông dân, lúc nào công tác phòng, chống dịch cũng phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc hàng ngày bổ sung đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng chuồng trại và tiêm phòng định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y, gia đình tôi luôn chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tiêm phòng, bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển tốt nhất”, anh Tú chia sẻ thêm.
TIÊM VẮC XIN ĐẦY ĐỦ LÀ BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ
Ông Đỗ Á Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết: Hiện đàn gia cầm của xã khoảng 180.000 con. Để chủ động ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết cũng như tránh nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên vật nuôi, Hội Nông dân xã đã phối hợp cùng Trạm Thú y tích cực vận động, hướng dẫn bà con nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, mở các đợt tiêm vắc xin định kỳ. Đồng thời, bám sát tình hình, phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.
Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 780.000 con gia cầm với 44 trang trại có 2.000 con trở lên. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo Trạm thú y cùng Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp vận động bà con nông dân thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, thực hiện 3 đợt/năm; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm 2 lần/năm và tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn gia cầm sót lại; đẩy mạnh tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi, quy trình phòng bệnh và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về vắc xin trong ngành chăn nuôi. Trong phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm thì tiêm vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm là các sản phẩm nhập lậu trên địa bàn.
Huyện cũng đã triển khai chỉ đạo của Sở NN-PTNT về nội dung Công điện khẩn của Bộ NN-PTNT tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo đó, tập trung triển khai quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh quý I/2020 và triển khai lịch tiêm vắc xin đợt 1/2020. Trong đó công tác theo dõi, giám sát và chủ động phòng ngừa dịch được đặt lên hàng đầu. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, hạn chế tái đàn số lượng lớn vào thời điểm này.
Bài, ảnh: KIM HỒNG