Đẩy mạnh chế biến và cơ giới hóa: Nền tảng của nông nghiệp bền vững

Thứ Sáu, 21/02/2020, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, BR-VT đã tích cực đẩy mạnh khâu chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Những thành tựu bước đầu đang giúp nông dân từng bước tiến đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, tránh phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, thị trường.

Thu hoạch mật ong để chế biến đóng chai tại Công ty TNHH Hạnh Phúc (xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc).
Thu hoạch mật ong để chế biến đóng chai tại Công ty TNHH Hạnh Phúc (xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc).

Chế biến gia tăng giá trị hàng hóa

Theo Sở NN-PTNT, những năm qua ngành nông nghiệp (NN) BR-VT đã hình thành và phát triển một hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có tổng công suất lên đến 800.000 tấn nguyên liệu/năm. Nhiều mặt hàng nông sản của BR-VT như: tiêu, ca cao, điều, rau củ đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc chế biến nông sản đã làm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, từ đó mở đường cho thị trường xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tuy nhiên, năng lực công nghệ chế biến nông sản của tỉnh hiện mới chỉ đạt mức trung bình của thế giới.

BR-VT hiện có cũng đã có đến 640 DN chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trong đó có 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Các loại nông sản được chế biến ở BR-VT gồm: thủy sản, cao su, hạt điều, muối, nước mắm, cà phê, hồ tiêu, bánh kẹo các loại, thức ăn gia súc, gỗ và đồ gỗ... Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019 đạt 46,79 ngàn tỷ đồng, chiếm 23,72% trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến. Trong đó công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 70,77%; công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ 1,77%; công nghiệp chế biến khác chiếm 0,48%; công nghiệp chế biến và sản xuất sản phẩm từ cao su 5,51%: công nghiệp sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 4,79%...

Ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, mặc dù ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản nhưng chế biến nông sản hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành NN tỉnh. Ông Hồ Thúc Tiên cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành chế biến nông sản còn gặp phải như: Chất lượng hàng nông sản chưa cao, công nghiệp chế biến lạc hậu, mẫu mã chủng loại chưa phong phú, hấp dẫn, giá thành cao dẫn đến nông sản của tỉnh chưa có sức cạnh tranh, bị ép giá trên thị trường...

Theo ông Tiên, để nâng cao phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thời gian tới tỉnh cần tập trung nhiều các giải pháp như: Tiếp tục liên kết các khu sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi liên kết chặt chẽ; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, thông qua các dự án khuyến nông từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết DN với nông dân; hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC, ISO... cho DN chế biến và người sản xuất nguyên liệu. Đặc biệt, tỉnh cũng cần hình thành các DN “đầu tàu” có đủ điều kiện hạt nhân, trung tâm của chuỗi liên kết và DN vệ tinh làm nhân tố thực hiện sản xuất của toàn ngành theo chuỗi. Đồng thời, nghiên cứu và triển khai xây dựng các chính sách phù hợp, khuyến khích các DN chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, hạn chế thấp nhất sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Có chính sách hỗ trợ kịp thời các DN chế biến đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, nhất là áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản tiên tiến từ nước ngoài.

Cần có chính sách thúc đẩy cơ giới hóa

Dù đã có những bước tiến xa về cơ giới hóa nông nghiệp, giúp nông dân giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng theo Chi cục Phát triển nông thôn, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất NN trong đó tập trung chủ yếu các khâu như bơm nước tưới, phun thuốc BVTV, làm đất, vận chuyển và phương tiện khai thác hải sản. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 60-100%, khâu tưới bằng máy 70-85%, phun thuốc BVTV 75-80%; dây chuyền công nghệ thức ăn, nước uống trong chăn nuôi 60%. Tuy nhiên, các khâu như thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch... có rất ít máy móc hoạt động. Nhìn chung tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp và chủ yếu chỉ tập trung cho cây lúa và bắp ở các khâu như: làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa gạo. Còn các khâu khó khác như gieo cấy, thu hoạch, chăm sóc vẫn còn phụ thuộc vào lao động thủ công.

Ngân hàng nghiên cứu chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Sáng 21/2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. 

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá. 

Thủ tướng cũng lưu ý cần xem cơ giới hóa là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp - nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất, do tỉ suất lợi nhuận của nông nghiệp rất thấp.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cơ giới hóa là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp – nông thôn và tái cơ cấu NN. Vì vậy, để thúc đẩy cơ giới hóa, ngành NN cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư. Ngân sách tỉnh cần hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư mua máy, thiết bị phục vụ phát triển cơ giới hóa, vật tư xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, tập huấn kỹ thuật. Đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình “cánh đồng lớn” để nâng cao hiệu quả việc sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất NN phù hợp với yêu cầu áp dụng cơ giới hóa...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.