Ngày 20/2, theo thống kê của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), từ thời điểm chính thức khai trương (ngày 9/12/2019) đến ngày 13/2/2020, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp trên hệ thống. Hơn 50.000 tài khoản đã đăng ký với trên 11,4 triệu lượt truy cập.
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2019 mức 4 tăng hơn 2 lần (từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019).
Dịch vụ công trực tuyến của một số lĩnh vực có hiệu quả cao như các dịch vụ thuế (99,8% DN khai thuế điện tử), hải quan (99,7% DN thực hiện hải quan điện tử), kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã), đăng ký kinh doanh (75% đăng ký DN qua mạng), lĩnh vực công thương (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công thương).
Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mới đạt 10,76% như hiện nay là chưa cao. Nguyên nhân chính là do người đứng đầu các đơn vị, bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc triển khai dịch vụ công trực truyến. Hướng đến mục tiêu năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 30%. Ngoài ra, hiện nay, tỷ lệ hồ sơ về thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức thấp, các bộ, ngành đạt trung bình 38,6%, các địa phương đạt trung bình 12,5%.
NGỌC BÍCH