Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh

Thứ Hai, 13/01/2020, 20:59 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều DN tại các KCN cho biết, một trong những khó khăn hiện nay của họ là thiếu hụt lao động. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng DN vẫn rất khó tuyển đủ nguồn. 

Công nhân Công ty TNHH Vĩnh Uy II sản xuất đế giày.
Công nhân Công ty TNHH Vĩnh Uy II sản xuất đế giày.

Là DN có 100% vốn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng nội thất xuất khẩu như: Nệm, bàn, ghế, mỗi tháng Công ty TNHH Nitori BR-VT (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ) cần tuyển khoảng 150 lao động để bù đắp cho lượng lao động nhảy việc. Sau khi tuyển dụng, người lao động sẽ được đào tạo và hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu công việc tại các vị trí như: Sử dụng máy may để may nệm, đứng máy gia công các loại vải, lắp ráp, đóng gói, hỗ trợ may đệm, hỗ trợ các dây chuyền sản xuất… Mức lương được đưa ra khá hấp dẫn: Từ 7-8,5 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng và phụ cấp ngoài giờ. Các lao động nữ ngoại tỉnh còn được sắp xếp chỗ ở, có xe đưa rước hàng ngày. DN tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng lao động hàng tuần nhưng vẫn không thể tuyển đủ nguồn lao động.

Tương tự, tình trạng khó tuyển dụng lao động cũng đang diễn ra tại Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ). DN này có nhu cầu tuyển dụng hơn 150 công nhân với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là: Tiếp nhận thông tin xuất-nhập hàng, tổ chức sắp xếp giao-nhập hàng, xuất hàng và công nhân sản xuất. Công ty đã đăng thông tin tuyển dụng trên website, tuyển trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm và qua nhiều kênh khác nhưng rất ít lao động đến nộp hồ sơ. 

Ông Phan Tấn Anh, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, trước mắt DN buộc phải vận động người lao động tăng ca, tăng giờ làm thêm, đồng thời đàm phán với đối tác xin giãn thời gian giao hàng. Giải pháp này khiến DN phải gánh thêm chi phí tăng ca cho công nhân, trong khi hiệu quả công việc cũng giảm sút.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, mỗi năm các KCN trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 DN mới đi vào hoạt động, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng tăng, trung bình 3.000-4.000 người/năm. Bên cạnh đó, tình trạng lao động “nhảy việc”, tìm kiếm việc làm ở các DN có thu nhập và đãi ngộ tốt hơn cũng khiến cho các DN bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như ảnh hưởng đến đơn hàng đã ký kết. 

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, vì nhiều nguyên nhân, nguồn lao động cung cấp cho các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay ít, dẫn đến thiếu hụt lao động cho DN mới đi vào hoạt động, trong khi những DN cũ cũng bị tình trạng “chảy máu” nhân lực do lao động “nhảy việc”. “Trước đây, mỗi năm lực lượng lao động biến động khoảng 10%, nay đã tăng lên từ 20-25%”, ông Triết thông tin thêm. 

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, đồng thời giữ chân người lao động, một số DN đã đầu tư xe đưa rước công nhân; về các huyện vùng xa để tuyển dụng, hỗ trợ đào tạo, đồng thời có chính sách đãi ngộ về lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội khác. 

Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở LĐTBXH và các cơ quan liên quan thực hiện công tác điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các DN trong KCN ngay từ khi triển khai xây dựng dự án và chuẩn bị đi vào hoạt động để có phương án hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng nhân lực. Đồng thời, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng kết nối các DN với các cơ sở dạy nghề của tỉnh như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ, Đại học BR-VT… để đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mời DN tham gia các phiên giao dịch việc làm hàng tháng do Trung tâm tổ chức tại các thành phố, thị xã và các huyện để tuyển dụng lao động.  

Bài, ảnh: AN NHỰT

;
XKLĐ nhật bản Hướng dẫn tìm việc làm tại VietnamWorks
.