Mô hình tổ, chi hội nghề nghiệp nông dân: Tìm hướng đi mới cho hội viên

Thứ Tư, 15/01/2020, 21:37 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 3 năm thực hiện đề án 24-ĐA/HNDTW của Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp, đến nay Hội Nông dân tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển chi, tổ hội cả quy mô lẫn chất lượng. Đề án không những mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập cho hội viên, mà còn giúp nông dân liên kết trong sản xuất.

Bà Trương Thị Hoa, thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ đang thu hoạch rau.
Bà Trương Thị Hoa, thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ đang thu hoạch rau.

Trước đây, hội viên nông dân ở ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP.Bà Rịa chủ yếu phát triển chăn nuôi đơn lẻ, từng hộ gia đình, chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hội viên, năm 2017, Hội Nông dân xã đã thành lập mô hình tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê không chăn thả. Ban đầu tổ thu hút được 10 hội viên tham gia. Khi đi vào hoạt động, hội viên được định hướng thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung phát triển chăn nuôi. Để hội viên nắm vững kiến thức chăm sóc dê đạt hiệu quả. Hàng tháng, tổ họp định kỳ 1 lần để thông tin tình hình về đàn dê, giá cả thị trường... Tại các buổi họp, hội viên được trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong quá trình nuôi. Ông Nguyễn Viết Thụ (ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP.Bà Rịa), một trong những thành viên của Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê, cho biết: tổ nghề nghiệp phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả cao.

Những năm qua, mô hình tổ nghề nghiệp sản xuất rau an toàn tại thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều khởi sắc cho bà con nông dân nơi đây. 8 năm trước, gia đình bà Trương Thị Hoa trồng rau theo phương thức truyền thống, canh tác đại trà theo kinh nghiệm dân gian, trên diện tích 2.000m2. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao nhưng không đạt hiệu quả do thiếu kinh nghiệm, sâu bệnh tấn công, đầu ra bấp bênh. Năm 2018, bà tham gia vào tổ sản xuất rau an toàn do Hội Nông dân triển khai. Thay vì sử dụng các chất kích thích giúp rau tăng trưởng như trước, gia đình bà được tổ hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ ủ hoai, bón lót, cày xới, gieo trồng phù hợp đúng kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý theo từng giai đoạn, lắp đặt hệ thống tưới phun đồng thời trồng xen canh các loại rau cải, rau xà lách, rau dền, khổ qua, mướp, dưa leo... Nhờ đó, giá trị kinh tế tăng lên so với sản xuất rau thông thường khoảng 40%. “Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách thức trồng rau an toàn, hiệu quả, ngoài ra từ giống, phân bón các loại thuốc trừ sâu, các thành viên trong tổ hợp tác đều cử người đại diện tới mua trực tiếp tại nơi sản xuất, nhờ vậy chi phí giảm đi đáng kể. Trước đây, trung bình 1 sào tôi đầu tư khoảng 10 triệu đồng/năm thì nay chỉ khoảng 8 triệu đồng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư. Hiện với 2.000m2, mỗi năm gia đình thu hoạch từ 9-10 vụ, năng suất đạt khoảng 50 tấn/năm, trừ chi phí gia đình thu lời khoảng 150 triệu đồng”, bà Hoa cho hay.

Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ cho biết: Tổ nghề nghiệp rau sạch tại xã Châu Pha hiện có khoảng 20 thành viên, canh tác trên diện tích 12ha, thu nhập trung bình của hội viên trong tổ đạt từ 90- 120 triệu đồng/năm. Ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận thì khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên phải có trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, bảo đảm đầu ra đạt tiêu chuẩn, tránh ảnh hưởng tới uy tín của các thành viên khác trong tổ hội. Hiện trên địa bàn xã Châu Pha đã triển khai các mô hình như: nuôi heo thịt, trồng rau sạch, nuôi cá… đa số các dự án đều hoạt động có hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên đồng thời tăng tính liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm làm ra có chất lượng cao.

Theo Hội Nông dân tỉnh, năm 2019 đã có thêm 75 tổ hội nghề thành lập với hơn 862 thành viên tham gia với các mô hình như: Trồng lúa, trồng điều, trồng nhãn và tổ hội nghề nghiệp hợp tác trồng và bảo vệ rừng… nâng tổng số mô hình tổ nghề nghiệp lên 198 tổ với hơn 2.500 thành viên và 1 chi hội nghề nghiệp với 43 thành viên. Thông qua các chi, tổ hội đã giúp cho 58 nhóm hộ nông dân và 708 HVND vay vốn Quỹ HTND với tổng số tiền hơn 2.231 tỷ đồng.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết đánh giá công tác Hội năm 2019, ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình chi, tổ nghề nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chi, tổ được vay vốn để mở rộng các mô hình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng nhóm tổ liên kết “4 nhà” theo hình hướng chuỗi giá trị, để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.