Việc giết mổ gia súc, gia cầm trong các chợ dân sinh, khu đông dân cư bị cấm từ lâu, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Một điểm nuôi và giết mổ gia cầm sống trong dân cư tại đường Lưu Chí Hiếu, TP. Vũng Tàu. |
CÒN THÓI QUEN GIẾT MỔ GIA CẦM SỐNG TRONG CHỢ
Hàng ngày, từ 8 giờ sáng, chợ phường 1, TP.Vũng Tàu có tới 4 sạp bán gia cầm với hàng trăm con gà, bồ câu, vịt, ngan nhốt trong lồng sắt. Mỗi khi có khách tới mua, người bán thực hiện giết mổ tại chỗ. Sau khi giết mổ xong, nước thải được đổ trực tiếp xuống cống hoặc tràn ra xung quanh khu vực lối đi vào chợ gây mất VSATTP.
Theo các tiểu thương ở đây, ngày bình thường, mỗi sạp bán được khoảng 20-40 con gia cầm các loại. Trong các ngày lễ, Tết, số lượng tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Ông Trần Văn Mạnh, tổ trưởng tổ trật tự Ban Quản lý Chợ phường 1, cho biết: Việc buôn bán giết mổ gia cầm sống tại chợ đã hình thành như một thói quen, Ban Quản lý chợ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn “đâu lại vào đó”. Để ngăn chặn tình trạng trên, tới đây, Ban Quản lý chợ sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức để tiểu thương thấy được nguy hại của việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ; vận động tiểu thương chuyển qua buôn bán gia cầm đã giết mổ sẵn có dấu kiểm dịch của ngành thú y. Đồng thời, sẽ thường xuyên kiểm tra nếu ai cố tình vi phạm sẽ tịch thu gia cầm sống và xử phạt theo quy định.
Giết mổ gia cầm tại chợ phường 1, TP.Vũng Tàu. |
Ngoài chợ phường 1, theo ghi nhận của PV tại chợ 5 tầng và một số tuyến đường như: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Thiện Thuật, Bình Giã... tình trạng giết mổ gia cầm tự phát diễn ra một cách công khai. Trong đó, một trong những điểm tập trung nhiều nhất các lò giết mổ gia cầm là đường Lưu Chí Hiếu (phường 10, TP.Vũng Tàu). Nơi đây có khoảng 10 điểm nuôi và giết mổ gia cầm. Điều đáng nói là dù việc sử dụng gia cầm qua giết mổ tại các chợ, khu dân cư dân sinh gây mất VSATTP nhưng người tiêu dùng rất thờ ơ.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KINH DOANH GIẾT MỔ
Việc giết mổ gia cầm tự phát không chỉ có tại TP.Vũng Tàu mà hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đây không chỉ là thói quen có hại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nghị định 123/2018/NĐ-CP về địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm đã quy định: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm; Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Chiếu theo các quy định trên, hiện nay, tình trạng giết mổ gia cầm vi phạm là khá phổ biến.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, UBND TP.Vũng Tàu và UBND các phường đã kiểm tra, xử lý và ra quyết định xử phạt 14 trường hợp “Giết mổ gia cầm tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép” với số tiền 94 triệu đồng. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu UBND TP.Vũng Tàu chỉ đạo UBND các phường, xã và Ban Quản lý các chợ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật chăn nuôi; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi Thú y TP.Vũng Tàu tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi: Phạt tiền đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật với mức từ 3-15 triệu đồng tùy hành vi. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng mức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở giết mổ từ 1 tháng đến 3 tháng. |
Nhằm hạn chế tình trạng giết mổ gia cầm tự phát, không bảo đảm ATVSTP trước, trong và sau Tết, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục Thú y tỉnh sẽ phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh giết mổ tại các cơ sở, kiểm soát chặt chẽ đầu vào và đầu ra các sản phẩm để ngăn chặn việc sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN