Thông tư 59/2018/BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.
Thông tư 59/BGTVT tương đối mở và dễ dàng cho các hãng xe trong việc thực hiện thử nghiệm và công bố mức tiêu thụ nhiên liệu. Theo đó, các hãng tự thử và kiểm nghiệm, công bố. Cơ quan quản lý chất lượng chỉ thực hiện việc hậu kiểm.
Đến ngày 30/1, trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo đã có 190 mẫu xe được các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe máy công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của các kiểu loại xe.
Trong đó, mẫu xe tay ga tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay là Yamaha Grande chỉ với 1,69 lít/100km. Mẫu xe số và côn tay tiết kiệm nhiên liệu nhất (không bao gồm xe 50cc) là Honda MSX125 với 1,48 lít/100 km.
Với Honda Việt Nam, mức công bố tiêu hao nhiên liệu cho các mẫu xe phổ biến là: LEAD 2,02 lít/100km, SH125 2,46 lít/100km, Air Blade 1,99 lít/100km, Vision 1,87 lít/100km, SH Mode 1,9 lít/100km; với Yamaha, mức công bố của mẫu Latte là 1,8 lít/100km, Janus bản tiêu chuẩn 1,87 lít/100km, NVX tiêu chuẩn 2,23 lít/100km, FreeGo là 1,97 lít/100km...
Trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe (gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để công khai trên trang thông tin điện tử). Đồng thời, đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình (nếu có) và duy trì thông tin trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe máy đó ra thị trường.
Để đảm bảo việc dán nhãn tiêu hao nhiên liệu xe máy công khai đến tay người tiêu dùng, Cục Đăng Kiểm Việt Nam bên cạnh việc giám sát các cơ sở tuân thủ thực hiện dán nhãn theo quy định, sẽ kiểm tra đột xuất nếu nhận được phản ánh, khiếu nại về dấu hiệu vi phạm quy định liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai sẽ yêu cầu các cơ sở phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.
Theo ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC - Cục Đăng kiểm Việt Nam), đối với việc dán nhãn năng lượng cho xe máy, các hãng xe sẽ tự thử nghiệm và công bố, tự chịu trách nhiệm, không nhất thiết là phải thử nghiệm tại NETC. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện hậu kiểm.
VÂN SƠN