Cảng biển khởi sắc

Thứ Năm, 30/01/2020, 23:06 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng 1 tuần đầu năm mới (từ ngày 24/1 đến ngày 30/1), cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đã đón 20 chuyến tàu mẹ trọng tải từ 80 ngàn DWT cập cảng làm hàng. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế cảng biển đã và đang phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.    

Ê kíp trực cảng CMIT trao đổi kế hoạch xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng.
Ê kíp trực cảng CMIT trao đổi kế hoạch xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng.

NHIỀU CHUYẾN TÀU LIÊN TỤC CẬP CẢNG

Ngày 19/1, tàu No.7 SJ Gas-Gasform (quốc tịch Hàn Quốc) chở 1.700 tấn nguyên liệu Polypropylene đã cập cảng Hyosung Vina Chemicals (thuộc Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina). Ông Kim Hyeung Jun, Giám đốc Bộ phận xây dựng Cảng Hyosung Vina phấn khởi cho biết: “Đây là chuyến tàu đầu tiên chở nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho nhà máy sản xuất hạt nhựa  Polypropylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG. Đồng thời, chuyến tàu này đánh dấu sự kiện Cảng Hyosung chính thức mở cảng đi vào hoạt động. Chúng tôi tin tưởng rằng đây là khởi đầu thuận lợi cho những ngày đầu năm mới và hy vọng năm 2020 nhà máy sẽ hoạt động tốt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh”. Sau chuyến tàu đầu tiên, từ đầu tháng 2/2020 chuyến tàu thứ 2 sẽ cập cảng và khi Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina đi vào hoạt động ổn định thì cứ 3 ngày sẽ có 1 tàu chở nguyên liệu cập Cảng Hyosung.     

Cùng với cảng Hyosung, ngay trong những ngày đầu năm mới, các cảng container như: CMIT, TCIT, TCTT, SSIT… đã đón nhiều chuyến tàu mẹ trọng tải từ 100 ngàn DWT cập cảng làm hàng. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng CMIT cho biết: Hiện CMIT tiếp nhận 8 tuyến tàu quốc tế mỗi tuần, kích cỡ từ 9.000 TEUs đến 18.000 TEUs nối đuôi nhau của các liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới và khoảng 140 chuyến sà lan, tàu nội địa, CMIT đã và đang nỗ lực không ngừng để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vượt trội, là một trong những cảng nước sâu lớn nhất cả nước, góp phần định hình vị thế của khu cảng CM-TV trên bản đồ hàng hải thế giới. 

Tàu One Apus của hãng tàu Ocean Network Express cập cảng làm hàng tại TCIT.
Tàu One Apus của hãng tàu Ocean Network Express cập cảng làm hàng tại TCIT.

Trong khi đó, theo ông Trần Khánh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cảng TCIT, năm 2019, TCIT đặt chỉ tiêu đạt sản lượng 2 triệu TEUs, tăng 13% so với năm 2018. Tuy nhiên, ước tính năm 2019, lượng hàng container thông qua cảng tăng 25%, gấp đôi so với chỉ tiêu năm 2019. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển của nền kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, dự kiến trong năm 2020, TCIT sẽ vượt mốc 2 triệu TEUs thông qua cảng.   

Xác định phát triển cảng biển là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn để thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhờ đó, các dự án giao thông quan trọng như đường 991B, Tỉnh lộ 328, 329 được triển khai xây dựng đúng tiến độ. Các tuyến giao thông trọng điểm như Long Sơn - Cái Mép, 992C, tuyến tránh QL 51 TX.Phú Mỹ, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải, Thống Nhất nối dài, đường Hàng Điều, Cầu Cháy… đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, ghi danh mục đầu tư công trung hạn hoặc đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý. Hoạt động vận tải đường bộ và đường thủy đảm bảo an toàn. Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngoài các nhiệm vụ trên, tỉnh đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cảng, dịch vụ logistics. Cụ thể như, đã làm việc với các nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư các dự án kho bãi chứa container rỗng; Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; lựa chọn địa điểm đầu tư Trung tâm Kiểm tra chuyên ngành tại khu vực Cái Mép- Thị Vải và kiến nghị các bộ, ngành trung ương cho thành lập đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại đây.

TĂNG SỨC HẤP DẪN CHO CM-TV

Báo cáo từ Sở GT-VT cho thấy, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 104,6 triệu tấn, trong đó hàng container tăng 27%, hàng rời tăng 11%, nâng hiệu suất sử dụng cảng lên 51% đối với hàng rời và 53% đối với hàng container. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của Bộ GTVT, để CM-TV phát triển đúng tiềm năng là cảng trung chuyển quốc tế thì cần tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Cụ thể, hiện CM-TV mới có 4/7 bến cảng container khai thác đúng với công năng là TCCT, TCIT, CMIT, TCTT (tổng thiết kế 36,8 triệu tấn, tương đương 3,39 triệu TEUs). Ba bến container còn lại là SITV, SPPSA, SSIT (tổng thiết kế 3,41 triệu TEUs) chủ yếu khai thác hàng rời và hàng tổng hợp. Dẫn đến cảng mới khai thác được hơn 50% công suất, nguyên nhân là do hệ thống cảng được đầu tư lớn nhưng giao thông kết nối sau cảng vẫn còn hạn chế. Cùng đó, dịch vụ hậu cần cảng, logistics khu vực CM-TV chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối của các DN, thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng container (CFS), cảng cạn (ICD), thiếu dịch vụ soi chiếu hải quan, dịch vụ kiểm tra chuyên ngành tại chỗ…

Nói về định hướng phát triển cảng biển - một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển cảng biển, năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế của cụm cảng CM-TV bằng các giải pháp cụ thể. Theo đó, nhanh chóng khởi công cầu Phước An để có thêm tuyến đường liên cảng thông lên đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây và Bến Lức-Long Thành; đẩy nhanh tiến độ khởi công đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, trước hết là đoạn cao tốc từ Biên Hòa về Cái Mép; thúc đẩy các chủ trương phát triển hệ thống đường sắt kết nối cảng với các KCN trong vùng Đông Nam Bộ. “Khi hạ tầng giao thông kết nối được hoàn thiện sẽ giúp hạ giá thành logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với quốc tế; triển khai trung tâm kiểm hóa hàng và Ban quản lý cảng một cửa để đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, từ đó tăng sức hấp dẫn cho CM-TV…”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: AN NHẬT

;
.