PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN

Hướng đi bền vững của ngành thủy sản

Thứ Năm, 19/12/2019, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, ngành đánh bắt thủy sản gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi ngày càng suy giảm. Ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng nhiều lần lao đao do nguồn nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Trước bối cảnh đó,  phát triển ngành nuôi biển ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia nhận định, BR-VT là địa phương tiềm năng để làm đầu tàu của cả nước trong lĩnh vực này.

Hiện nay, khu vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh chủ yếu ở các cửa sông, cửa biển, gần bờ dù BR-VT có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển. Trong ảnh: Ngư dân tại sông Chà Và, xã Long Sơn kiểm tra sự phát triển của hào được nuôi lồng bè. Ảnh: QUANG VINH
Hiện nay, khu vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh chủ yếu ở các cửa sông, cửa biển, gần bờ dù BR-VT có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển. Trong ảnh: Ngư dân tại sông Chà Và, xã Long Sơn kiểm tra sự phát triển của hào được nuôi lồng bè. Ảnh: QUANG VINH

Theo đánh giá của ngành thủy sản, so với nuôi gần bờ, nuôi biển có nhiều ưu điểm so với truyền thống. Cụ thể, nguồn nước ngoài khơi thường sạch và có dòng chảy ổn định, thuận lợi cho thủy sản phát triển, lại tránh được ô nhiễm môi trường nước nên tỷ lệ thủy sản chết hoặc bị ảnh hưởng do các yếu tố con người gây ra thấp. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có rất nhiều thuận lợi để phát triển ngành này. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam giải thích: “Nước ta có 4 vùng vịnh lớn, một số vị trí có được sự che chắn khi có bão; đồng thời, có rất nhiều vùng biển nông và biển được cung cấp lượng nước ngọt lớn vào mùa mưa. Cùng với đó, nước ta có cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản tốt, quy mô ngành công nghiệp chế biến lớn, lực lượng lao động biển sẵn có, dồi dào…” Theo thống kê, tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo của nước ta khoảng 244.190ha. Trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha (chiếm 62% diện tích có khả năng nuôi biển); diện tích nuôi vùng vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha (33%); nuôi vùng biển hở 11.100ha (5%).

Dù có tiềm năng lớn, diện tích đã nuôi biển vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện nay, diện tích canh tác loại hình này của cả nước mới đạt hơn 40 ngàn ha, với 5 đối tượng chính là cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua ghẹ và rong biển. Tại BR-VT, dù đã phát triển ngành nuôi trồng thủy, hải sản từ lâu, có diện tích nuôi trồng lớn, nhưng vẫn nằm chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển, gần bờ. Do đó, theo một số chuyên gia, để phát triển nghề nuôi biển, BR-VT cần thực hiện nhiều biện pháp. Cụ thể, cần tổ chức điều tra hiện trạng một số vùng biển quan trọng; xây dựng các chính sách phát triển nuôi biển; tăng cường các chương trình đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển; xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực; đẩy mạnh việc hỗ trợ để phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ. Đặc biệt, cần khuyến khích các DN, ngư dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông Trần Văn Mạnh, đại diện Công ty Scale AQ Việt Nam cho biết, từ năm 1980 đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản đã phát triển vượt bậc. Từ việc các công đoạn nuôi như cho ăn, thu hoạch đều thực hiện thủ công, đến nay, đã có những công nghệ tiên tiến được áp dụng. Các hệ thống neo lồng, phần mềm và sà lan cho ăn tự động, camera dưới nước, hệ thống lồng và lưới nuôi đã hiện đại hơn trước. Do đó, năng suất nuôi/1 đơn vị diện tích đã tăng cả ngàn lần trong gần 40 năm qua. Trên địa bàn tỉnh, dù trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nuôi biển công nghiệp nào, nhưng đã xuất hiện một số mô hình nuôi lồng bè ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiền đề tốt cho những năm tới. Ví dụ như mô hình của anh Nguyễn Duy Hải, (tiểu khu số 7, nuôi cá lồng bè sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu). Anh Hải cho biết, từ năm 2017, anh đã áp dụng công nghệ lồng nuôi bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE. Đến nay, hình thức sản xuất này đã cho hiệu quả rất cao. Công nghệ này đã hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường tới đàn cá, tỷ lệ cá chết giảm mạnh, cá đạt trọng lượng tiêu chuẩn nhanh hơn 2 tháng so với cách nuôi thông thường.

Trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều ngư dân ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi và cho hiệu quả cao, đây là tiền đề tốt để phát triển nuôi biển trong tương lai. Trong ảnh: Nuôi cá bằng lồng nhựa chịu lực HDPE tại hộ anh Phan Hoàng Sơn (tiểu khu 4, sông Chà Và). Ảnh: QUANG VŨ
Trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều ngư dân ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi và cho hiệu quả cao, đây là tiền đề tốt để phát triển nuôi biển trong tương lai. Trong ảnh: Nuôi cá bằng lồng nhựa chịu lực HDPE tại hộ anh Phan Hoàng Sơn (tiểu khu 4, sông Chà Và). Ảnh: QUANG VŨ

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định, BR-VT có tiềm năng lớn trong phát triển ngành nuôi biển nhờ vùng biển rộng, cộng với hệ thống cảng, công nghiệp phụ trợ và chế biến phát triển, tỉnh đã có kế hoạch để phát triển ngành nuôi biển. Cụ thể, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương để Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn. Cùng với đó, Sở NN-PTNT cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với các DN đầu tư vào các dự án nuôi biển thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ được môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và có thể kết hợp với một số hình thức tham quan du lịch.

QUANG VINH

 
;
.