Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại BR-VT, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, nhiều nét đẹp về văn hóa - xã hội được phát huy. Có thể nói, nông thôn BR-VT đã trở nên “đáng sống” hơn.
Một hộ dân ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ có thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống nhờ chuyển đổi từ trồng rau sang trồng măng tây. |
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN
TP. Bà Rịa là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu NTM của tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Như tại xã Tân Hưng, xác định thế mạnh là trồng trọt nhưng lại đối diện với thực trạng đô thị hóa nhanh, thiếu đất sản xuất, chính quyền xã đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản. Ông Nguyễn Phương Duy, Chủ tịch HND xã Tân Hưng cho biết, nhờ các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, chỉ trong vòng 4 năm, xã Tân Hưng đã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 49,57 triệu đồng/người/năm. Mô hình của ông Lê Văn Pho, ấp Phước Tân 5 là một ví dụ. Từ đầu năm 2018, ông đã mạnh dạn nhập hoa hồng giống từ huyện Mê Linh, TP. Hà Nội về trồng, kinh doanh. Đây là loại hoa mới tại BR-VT, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên giá trị cao hơn nhiều lần so với thông thường, trung bình từ 700 ngàn đồng đến 1,4 triệu đồng. Mỗi năm bán được khoảng 3.000 chậu hồng, ông Pho thu lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ “bén duyên” với hoa hồng miền Bắc, chỉ trong vòng 2 năm, ông Pho đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Trong khi đó tại huyện Long Điền, xác định nông nghiệp là một trong những thế mạnh của địa phương, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cho các loại nông sản chủ lực. Cụ thể, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống lúa có chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Cùng với đó, huyện Long Điền cũng liên kết, thành lập 12 HTX, tổ hợp tác nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả, giá trị nông sản thu được/ha đất tăng từ 36,7 triệu đồng năm 2010 lên 53,5 triệu đồng lên 2019. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã xây dựng NTM của huyện tăng lên 53,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,23%. 5/5 xã của huyện Long Điền đều đã đạt toàn bộ các tiêu chí xây dựng NTM.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhận định, chương trình xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhờ đó, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao qua từng năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã xây dựng NTM đạt 50 triệu đồng/người/năm, gấp 3,45 lần so với năm 2010. Các lĩnh vực như y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường cũng được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội cũng được giữ gìn, bảo đảm. Số hộ nghèo cũng giảm nhanh, đến nay, theo chuẩn quốc gia, BR-VT chỉ còn 1.652 hộ, chiếm 0,6%. Toàn tỉnh có 39/45 xã đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn NTM, đạt 86,6%, tăng 16 xã so với trước khi xây dựng NTM. Có thể nói, sau 10 năm, nông thôn BR-VT đã trở nên “đáng sống” hơn.
Những năm qua, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong ảnh: Con đường mới, khang trang được xây dựng tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM đầu năm 2019. |
CÓ ĐIỂM BẮT ĐẦU, KHÔNG CÓ ĐIỂM KẾT THÚC
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh, sau 10 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, xác định là chương trình “xây dựng NTM chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa nông thôn BR-VT thực sự trở thành nơi “đáng sống”.
Như tại huyện Đất Đỏ, với mục tiêu được công nhận là huyện NTM vào năm 2020, ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, như: tiếp tục tuyên truyền, vận động, để người dân thực sự hòa mình, cùng chính quyền thực hiện xây dựng NTM; tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển cho các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như mô hình trồng măng tây, trồng khoai mì… và các trang trại phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX để tăng liên kết trong sản xuất, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường. Ông Thái cho biết: “Mục tiêu của huyện là đến năm 2020, các xã Phước Long Thọ, Láng Dài, Long Mỹ, Phước Hội đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số địa phương đạt chuẩn lên 6 xã. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm”.
Còn tại huyện Long Điền, toàn bộ các xã cũng đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Chính quyền địa phương đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng bộ tiêu chí NTM, trong đó, chú trọng đến các tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Cụ thể, vào năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5%; tỷ lệ dân tham gia BHYT đạt trên 95%; 100% người dân được sử dụng nước sạch. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, để thực hiện các nhiệm vụ trên, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của người dân vùng nông thôn; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản của huyện; khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào NNUDCNC; đẩy mạnh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại các địa phương, đẩy mạnh việc liên kết nông dân, DN theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả canh tác; tạo điều kiện để nông dân vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập.
Ông Trần Văn Cường cho biết thêm, trong thời gian tới, mục tiêu của tỉnh là 100% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% số huyện đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Đất Đỏ đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, huyện Long Điền là huyện NTM trong quá trình đô thị hóa; 100% các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Để hoàn thành được các nhiệm vụ trên, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM; rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với các chủ trương, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh; tiếp tục các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; lồng ghép các nguồn lực để phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn.
Dự kiến, nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2021-2025 gần 9,9 ngàn tỷ đồng.
Bài, ảnh: QUANG VINH