Nông dân chuyển đổi canh tác rau sạch: Bắt kịp xu hướng thị trường

Thứ Sáu, 20/12/2019, 21:09 [GMT+7]
In bài này
.

Với việc xây dựng mô hình trồng rau sạch, nhiều hộ tại các địa phương như Châu Pha (TX. Phú Mỹ), TT. Long Hải (Long Điền)… đã góp phần cung cấp nguồn rau sạch ra thị trường, đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình trồng rau thủy canh của ông Phân Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT Long Hải), mang lại thu nhập trung bình 500-600 triệu/năm.
Mô hình trồng rau thủy canh của ông Phân Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT Long Hải), mang lại thu nhập trung bình 500-600 triệu/năm.

Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình trồng rau thủy canh, ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT.Long Hải) cho biết: Trong một lần vô tình xem được mô hình trồng rau thủy canh trên tivi, ông vô cùng hứng thú, càng nghiên cứu tìm hiểu về mô hình, ông nhận thấy, trồng rau theo phương pháp thủy canh khắc phục được các nhược điểm của phương pháp trồng rau truyền thống, đặc biệt hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí và nhân công.

Năm 2018, ông Nghiêm quyết định đầu tư toàn bộ diện tích trồng theo phương pháp thủy canh. Để phù hợp với địa hình của địa phương, ông đã nghiên cứu thành công “Phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu dựa vào địa hình đất dốc”. Nghiên cứu của ông đã được Sở KH-CN công nhận vào năm 2019, đây cũng là nghiên cứu đã đạt giải Ba  trong Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh BR-VT năm 2018-2019”.

 Khu trồng rau thủy canh hơn 4.000m2 của ông Nghiêm được đầu tư xây dựng bài bản và hiện đại từ công nghệ trồng rau tự động đến hệ thống điều khiển lượng nước, dẫn chất dinh dưỡng nuôi cây… Ưu điểm lớn nhất của mô hình là trồng trong nhà lưới, rau không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sạch dịch bệnh nên hoàn toàn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đáng nói, trồng rau bằng phương pháp thủy canh cho sản phẩm đồng đều, chất lượng an toàn, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng hiệu quả sử dụng đất. Trên cùng một đơn vị diện tích, năng suất của rau trồng thủy canh gấp 2-3 lần so với rau trồng phương pháp truyền thống. Hiện, trung bình mỗi năm ông cho thu hoạch khoảng hơn 10 tấn rau (rau muống, rau cải, rau xà lách, các loại rau lấy quả...), toàn bộ sản lượng được đưa vào hệ thống các cửa hàng, trường học tại địa phương, ngoài ra, ông tự mở cửa hàng rau để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Với giá bán bình quân từ 30.000-50.000 đồng/kg rau, mô hình của ông Nghiêm đang cho thu nhập 500-600 triệu đồng/năm.

Với diện tích khoảng 6.000m2 đất, trước đây gia đình ông Nguyễn Văn Tuy (ấp Tân Hà, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ), trồng các loại rau ăn lá nhưng thu nhập không ổn định, do thường xuyên bị sâu bệnh tấn công, đầu ra không ổn định. Năm 2018, ông Tuy chuyển sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Để bảo đảm luôn có nguồn thu và đủ lượng rau sạch cung cấp cho thị trường, ông trồng xen kẽ các loại rau ngắn ngày và dài ngày (rau ăn lá và rau ăn quả). Tùy theo mùa và nhu cầu thị trường, những loại rau thường xuyên luân phiên có trong vườn như cải, mồng tơi, dền, cải cúc, rau muống, bầu, bí, mướp, dưa leo… Từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch, khoảng 20-35 ngày/lứa, các loại rau ăn quả thì thời gian lâu hơn, mỗi năm vườn rau của ông cho thu hoạch khoảng 10 lứa.

Ông Tuy cho biết, ban đầu gia đình nghĩ trồng rau thì đơn giản thôi, ai cũng làm được. Nhưng bắt tay vào làm mới biết, trồng thì dễ nhưng làm sao để vừa có rau sạch vừa đạt năng suất cao mới khó. “Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi phải tuân thủ các quy định gắt gao như định lượng sử dụng phân, nước, thuốc BVTV, ghi chép thời gian từng giai đoạn… Tuy trồng rau theo phương pháp này đòi hỏi công sức và đầu tư lớn nhưng cứ mỗi sáng thức dậy, thấy vườn rau sạch sẽ, thẳng tắp và xanh mướt là thấy thoải mái, dễ chịu. Cũng nhờ mô hình này mà thu nhập gia đình tôi ngày một tăng lên đáng kể”, ông Tuy chia sẻ.

Theo ông Tuy, thay vì tưới rau 3 lần/ngày thì chỉ cần tưới 2 lần vào buổi trưa và chiều vì buổi sáng đất còn ẩm, với cách làm như vậy vừa tiết kiệm được nhân công, nước, vừa hạn chế sự sinh sản của các mầm bệnh. Phân bón cho vườn rau đều được sử dụng loại phân theo tiêu chuẩn, ông cũng không sử dụng hình thức bón phân lót như cách trồng rau truyền thống mà chỉ bón nhẹ sau 2 ngày gieo, tiếp đó, mỗi tuần bón nhẹ một lần. Khi rau còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch thì ngưng bón để bảo đảm không có chất tồn dư, an toàn cho người sử dụng. Các loại rau của gia đình ông đều được kiểm tra, kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường, để bảo đảm nguồn rau được trồng theo đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn.

Do tuân thủ nghiêm túc các quy trình, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, vừa qua gia đình ông hợp tác liên kết cung cấp sản phẩm rau cho hệ sống siêu thị bán lẻ Vfarm tại địa bàn tỉnh. Hiện mỗi ngày, vườn rau của ông cung cấp trên 3 tạ/ngày các loại rau, với giá dao động từ 11.000-13.000 đồng/kg, bình quân thu nhập của gia đình ông ở mức trên dưới 20-30 triệu đồng/tháng.

Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch HND xã Châu Pha cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 300ha diện tích trồng rau, trong đó có khoảng 4ha (20 hộ) diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, địa phương đang hướng tới tăng cường diện tích trồng rau sạch công nghệ cao, đồng thời tăng cường liên kết với các DN, siêu thị, hệ thống bán lẻ để không chỉ riêng hộ ông Nguyễn Văn Tuy mà còn nhiều hộ trồng rau khác sẽ được DN liên kết bao tiêu sản phẩm, nhằm đưa sản phẩm rau sạch tiếp cận rộng rãi thị trường trong tỉnh.

Bài ảnh: KIM HỒNG

;
.