TP. Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2013. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, thành phố vẫn còn 14 tiêu chí chưa đạt so với mức tối thiểu. Giai đoạn 2019-2035, chính quyền và nhân dân TP. Vũng Tàu đang nỗ lực khắc phục những tiêu chí chưa đạt và xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị chất lượng, đáng sống.
Vũng Tàu được định hướng phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Khách du lịch vui chơi tại khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc (Gò Găng). |
Theo Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), TP. Vũng Tàu có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển các ngành kinh tế: khai thác, chế biến và dịch vụ dầu khí, du lịch biển đảo, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản, cảng biển và dịch vụ hàng hải… Tháng 4/2013, TP. Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, theo hiện trạng phát triển đô thị hiện nay và đối chiếu theo tiêu chuẩn phân loại đô thị, trong số 59 tiêu chuẩn của đô thị loại I, TP. Vũng Tàu còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt; một số chỉ tiêu thấp hơn so với quy định tối thiểu. Chẳng hạn, cơ sở y tế cấp đô thị theo quy định mức tối thiểu là 2,4 giường/1.000 dân nhưng hiện thành phố mới đạt mức 1,21 giường/1.000 dân. Và rất nhiều tiêu chí về đất cây xanh đô thị, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành nội thị, nhà tang lễ… đều chưa đạt.
Viện Kiến trúc Quốc gia cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng đô thị tại TP. Vũng Tàu như: Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, khu đô thị cũ tập trung đông dân cư, mật độ xây dựng nhiều khu vực quá dày, ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước thải chung của thành phố còn thiếu, không bảo đảm năng lực tiêu thoát nước và xử lý nước thải. Trên địa bàn thành phố không có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đáng lo ngại nhất là các cơ sở chế biến hải sản còn tạm thời trong khi đó CCN-TTCN Phước Thắng chưa được hoàn thành nên việc sản xuất này có nguy cơ gây ô nhiễm cao, mất mỹ quan khu dân cư.
Theo chương trình phát triển đô thị TP. Vũng Tàu giai đoạn 2019-2035, khu vực IV được quy hoạch là khu vực hành lang phát triển công nghiệp cảng với diện tích 987ha, dùng để duy trì các KCN và cảng hiện có. Trong ảnh: Một góc cảng biển Vũng Tàu nhìn từ sông Dinh. |
Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, trước những bất cập trên, TP. Vũng Tàu đã xây dựng chương trình phát triển đô thị TP. Vũng Tàu giai đoạn 2019-2035 nhằm đánh giá thực trạng phát triển của thành phố; rà soát tình hình thực hiện các quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố đã được phê duyệt. Từ đó làm cơ sở để triển khai thực hiện quy hoạch chung của thành phố một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, chương trình được phân kỳ làm 3 giai đoạn thực hiện với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Giai đoạn 1 (2019-2025), TP. Vũng Tàu đầu tư khắc phục 9 tiêu chuẩn chưa đạt mức tối thiểu của đô thị loại I. Giai đoạn 2 (2026-2030) thành phố sẽ khắc phục 5 tiêu chuẩn chưa đạt mức tối thiểu của đô thị loại I còn lại. Giai đoạn 3 (2031-2035) sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn, đạt mức tối đa của đô thị loại 1 và đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng đô thị theo quy hoạch chung được phê duyệt.
Chương trình phát triển đô thị TP. Vũng Tàu cũng phân chia thành phố làm 7 khu vực đô thị để có hướng đầu tư bài bản, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, khu vực I - đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu định hướng phát triển nơi đây thành CCN phụ trợ và công nghiệp khác, hình thành khu đô thị mới phục vụ công nghiệp dầu khí và sinh thái. Khu vực II- Gò Găng sẽ quy hoạch phát triển đô thị mới gắn với sân bay Gò Găng và khu đô thị sinh thái gắn với không gian rừng ngập mặn. Khu vực III – khu vực sinh thái Bắc Phước Thắng, thành phố sẽ bảo tồn vùng vành đai xanh, vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên trên cơ sở hệ thống các sông Ba Cội, Cỏ May, sông Dinh, sông Cửa Lấp… Từ đó hình thành khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái mật độ thấp và trung tâm dịch vụ du lịch gắn với rừng ngập mặn. Khu vực IV là khu vực hành lang phát triển công nghiệp cảng với diện tích 987ha, dùng để duy trì các KCN và cảng hiện có. Đồng thời mở rộng khu cảng Sao Mai – Bến Đình, phát triển KCN, khu Logistics và dịch vụ hậu cần, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối. Khu vực V, thành phố ưu tiên để phát triển trở thành khu đô thị lịch sử hiện hữu theo hướng cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị theo hướng bảo tồn cấu trúc không gian đô thị truyền thống, bảo tồn công trình kiến trúc, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị. Khu vực VI khu vực phát triển đô thị phía Bắc thành phố với diện tích hơn 2.200ha, dùng để phát triển các khu chức năng trung tâm hành chính thành phố, hình thành công viên văn hóa Bàu Trũng… Khu vực VII là hành lang phát triển du lịch ven biển với các chức năng nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, sân golf, quảng trường biển…
Để đạt được mục tiêu trên, TP. Vũng Tàu đã đưa ra 5 giải pháp cơ bản: Giải pháp về tài chính; quản lý và khai thác quỹ đất; giải pháp về chính sách; giải pháp về thu hút đầu tư và giải pháp về nhân lực. Trong đó, đáng chú ý là quản lý và khai thác quỹ đất đẩy nhanh tiến độ khai thác và khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm tăng nguồn thu ngân sách; quy hoạch chi tiết và xác định các vị trí, khu vực có giá trị sinh lợi cao; bán đấu giá đất công… Bên cạnh đó giải pháp về chính sách cũng được thành phố chú trọng nhằm khuyến khích đầu tư các lĩnh vực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội…
Bài, ảnh: QUANG VŨ