Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp vẫn nhận định, nguồn cung thịt heo sẽ không khan hiếm trong thời gian tới. Dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn, giá loại thực phẩm này đã tăng “phi mã”, tiệm cận mức 100 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân chính của thực trạng này là thương lái đang “lùng” mua heo nhưng không tiếp cận được các trại lớn. Trong khi lượng heo trong dân còn ít, nhiều hộ có ý găm hàng chờ Tết nên đã tạo cơn sốt giá “ảo”.
Dù nguồn cung không thiếu, giá heo vẫn đang tăng phi mã. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo tại chợ phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa. |
SỐT “ẢO” DO THƯƠNG LÁI ĐẨY GIÁ
Những ngày này, các thương lái liên tục “lùng sục”, tỏa đi các nơi để thu mua heo. Không chỉ heo đã đến tuổi xuất chuồng, các loại heo chưa đạt chuẩn, chỉ khoảng 60-70kg cũng được thu mua với giá cao ngất ngưởng. Bà Phạm Thị Tánh (thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) đang nuôi 2.000 con heo thịt và hơn 200 con heo nái. Nhờ hệ thống chuồng trại xa khu vực dân cư, lại áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn heo của bà không bị mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Bà Tánh cho biết: “Mấy ngày nay, tôi liên tục nhận được điện thoại giục bán của thương lái. Giá tăng lên từng ngày. Hôm nay, đã có người hỏi mua heo hơi giá 97 ngàn đồng/kg. Hơn 20 năm làm nghề nuôi heo, tôi chưa từng nghĩ giá của nó sắp chạm đến 100 ngàn đồng/kg. Với mức này, dù chi phí tăng cao, tôi cũng lãi lớn, 5-6 triệu đồng/con. Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất chuồng từ 300 đến 400 con. Trong tháng Tết Nguyên đán, tôi sẽ bán khoảng 500 con nữa”.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, có khá ít người may mắn còn heo để bán như bà Tánh. “Treo” chuồng do heo chết bởi dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi còn heo cũng chỉ còn lại các con chưa đến kỳ xuất chuồng. Vì nguồn cung ít, nhiều hộ chăn nuôi có ý giữ đàn, đợi giá tiếp tục tăng mới xuất bán để tăng lợi nhuận. Ông Nguyễn Thái Trị (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cho biết, nhờ thực hiện quy trình an toàn dịch bệnh nên đến nay, đàn heo của gia đình vẫn an toàn, chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi. Dù vậy, số lượng heo đến tuổi bán khá ít, nên ông chỉ bán số này để lấy tiền trang trải cuộc sống. Số còn lại ông dự tính nuôi đủ chuẩn, đợi giá cao hơn nữa mới xuất bán ra thị trường.
Dịch tả heo châu Phi làm lượng heo trong dân giảm mạnh. Trong ảnh: Chị Phạm Thị Lê, xã Xà Bang, huyện Châu Đức chăm sóc đàn heo. |
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sau nửa năm ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo của tỉnh còn khoảng gần 300 ngàn con, giảm hơn 100 ngàn con so với trước khi có dịch. Theo nhận định của ngành chăn nuôi, với số lượng này, nguồn cung thịt heo cho thị trường BR-VT sẽ không thiếu trong thời gian tới. Trước việc nguồn cung không thiếu nhưng giá heo vẫn sốt “ảo”, ông Trung giải thích: “Hiện nay, nói là giá heo tăng từng ngày nhưng chủ yếu là nguồn heo trong dân, của các trại nhỏ lẻ. Nguyên nhân là với việc giá heo tại Trung Quốc, nhiều thương lái đã “lùng” mua heo tại miền Nam để vận chuyển, xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này, cộng thêm với yếu tố tâm lý của người tiêu dùng nên giá heo thu mua tại các trại nhỏ đã tăng đột biến. Thực tế, hiện nay, mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ chưa đến 1.200 con heo. Nguồn cung lại chủ yếu đến từ các trang trại lớn, nhiều nhất là của Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Mà giá cung cấp của các DN này được báo về Chi cục hàng ngày, hiện chỉ ở mức 80-83 ngàn đồng/kg và đang có xu hướng giảm”.
KHUYẾN KHÍCH TÁI ĐÀN ĐỐI VỚI CÁC TRẠI AN TOÀN DỊCH BỆNH
Theo nhận định của ngành chăn nuôi, dù nguồn cung hiện nay vẫn còn đủ, nhưng dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn. Do đó, trong thời gian qua, các trang trại nuôi đã được khuyến cáo hạn chế tái đàn. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã phần nào được kiểm soát, cộng với việc các trại nuôi đã có kinh nghiệm đối phó. Để bảo đảm an toàn lương thực, nhanh chóng phục hồi nguồn cung thịt heo, vừa qua, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đồng ý, hướng dẫn các địa phương cho các trại nuôi đã an toàn với dịch bệnh tái đàn. Để tái đàn, các trang trại cần bảo đảm các điều kiện theo quy định, như bảo đảm an toàn dịch bệnh, được công nhận các chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP và phải báo cáo với chính quyền địa phương.
Xử lý nghiêm nếu găm hàng, thổi giá thịt heo
Tại hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT chiều 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, Việt Nam còn khoảng 25 triệu con heo, đồng thời có thể nhập thêm vài ngàn tấn; do đó, sẽ không thiếu nguồn cung. Thủ tướng cho rằng có “lạm phát tâm lý” và lưu ý, nếu báo chí cứ nói mãi về thiếu thịt heo, tự nhiên sẽ gây “lạm phát tâm lý” và đẩy giá lên cao. Do đó, Thủ tướng đề nghị không được để xảy ra “lạm phát tâm lý”; đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm những đối tượng găm hàng, thổi giá heo lên cao. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường, cần thiết thì phải nhập thịt heo để giảm giá thành xuống, phục vụ nhu cầu của người dân. |
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, mỗi lứa heo có thời gian khoảng 7 tháng. Hiện nay các DN lớn vẫn giữ được đàn heo nái khoảng 2,5 triệu con, đàn heo cụ, kị hơn 100 ngàn con. Với số lượng này, việc tăng đàn heo của cả nước nói chung, BR-VT sẽ khá thuận lợi. Nếu bảo vệ được đàn, nguồn cung thịt heo sẽ ổn định trong vài tháng tới. Tuy nhiên, để ổn định thị trường, giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Xuân Trung kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính làm giá heo tăng cao. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, khảo sát và đưa ra dự báo phù hợp về diễn biến dịch bệnh, giá cả để ứng phó kịp thời. Đồng thời, thời điểm này, các địa phương, cơ quan quản lý thị trường cần kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán thịt heo, nhất là cần dẹp các lò mổ lậu bởi khi giá đang ở mức cao, không loại trừ khả năng khi phát hiện heo mắc bệnh, các trại nuôi sẽ không báo với cơ quan chức năng mà tuồn ra thị trường để tiêu thụ.
Bài, ảnh: QUANG VINH