.

Gian nan thi hành án tín dụng

Cập nhật: 19:58, 26/12/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, hoạt động thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến việc thu hồi nợ xấu, giảm nợ xấu, bảo đảm cho hoạt động của hệ thống TCTD được an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả THA còn thấp, số việc, số tiền phải THA còn lớn, tiến độ THA kéo dài.

Một số tài sản của người vay được thế chấp cho nhiều TCTD, dẫn đến việc xử lý tài sản bị kéo dài. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) Chi nhánh BR-VT. (Ảnh minh họa)
Một số tài sản của người vay được thế chấp cho nhiều TCTD, dẫn đến việc xử lý tài sản bị kéo dài. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) Chi nhánh BR-VT. (Ảnh minh họa)

KHÓ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Theo Cục THADS tỉnh, trong năm 2019, số việc phải giải quyết của loại án liên quan tới các TCTD 545 việc, tương ứng với số tiền hơn 1.634 tỷ đồng. Nhưng thực tế chỉ giải quyết được 84 việc, tương ứng với số tiền 378,5 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tứ, Chi Cục trưởng Chi cục THADS TP.Vũng Tàu cho biết: Trên địa bàn tỉnh, Chi cục THADS TP.Vũng Tàu là đơn vị có nhiều án về tín dụng, ngân hàng với 152 vụ việc phải THA tương ứng số tiền 676 tỷ đồng. Nhưng trong năm 2019, đơn vị chỉ giải quyết được 17 vụ, tương ứng với số tiền 303 tỷ đồng; số vụ phải THA tồn đọng chuyển sang năm 2020 còn cao với 135 việc tương ứng số tiền 373 tỷ đồng. Nguyên nhân THA liên quan tới các TCTD chưa cao là do người phải THA thường không tự giác chấp hành, cố tình chống đối, chây ỳ bằng nhiều cách như thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định THA, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá. Cùng với đó, nhiều trường hợp người phải THA cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp với mục đích kéo dài việc THA.  

Cán bộ Cục THADS tỉnh đọc quyết định kê biên tài sản  trong vụ án Công ty CP thép Quatron (Phú Mỹ).
Cán bộ Cục THADS tỉnh đọc quyết định kê biên tài sản trong vụ án Công ty CP thép Quatron (Phú Mỹ).

Đơn cử như, vụ Công ty TNHH XD H.Đ. (phường 8, TP.Vũng Tàu), có nghĩa vụ trả nợ vay cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh BR-VT số tiền 20 tỷ đồng. Trong đó, bà N.T.B.N. (ngụ phường 5, TP.Vũng Tàu) là người dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH XD H.Đ. Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá xong tài sản bảo lãnh cho khoản vay, Chi cục THADS TP.Vũng Tàu chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá do bà N. khiếu kiện kéo dài.

Lý giải thêm về những tồn đọng trong THA đối với các vụ án liên quan tới TCTD, ông Nguyễn Hồng Bàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục THADS tỉnh, cho biết: Phần lớn người phải THA có tài sản thế chấp, nhưng việc xử lý thường gặp vướng, do sau khi kê biên có tranh chấp, hoặc tài sản đưa ra đấu giá nhiều lần không có người mua. Trong khi đó, các ngân hàng không nhận tài sản thế chấp để trừ vào tiền phải THA vì phải chịu thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản này, buộc cơ quan THA phải tiếp tục hạ giá tài sản, kéo dài vụ việc. Bên cạnh đó, trong quá trình THA, một số TCTD lại nhiều lần có đơn xin hoãn THA để tự giải quyết tài sản bảo đảm. Nhưng sau đó, các TCTD không bán được tài sản, lại tiếp tục yêu cầu THA nên dẫn đến việc THA bị kéo dài.

Mặt khác, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa xác định rõ ràng trong thứ tự tài sản bảo đảm, nhất là trong việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ 3 chưa phù hợp với nội dung của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản. Ngoài ra, một số tài sản của người vay được thế chấp cho nhiều TCTD, dẫn đến việc xử lý tài sản bị kéo dài. Đơn cử, vụ việc dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam có diện tích gần 33 ha, do Công ty CP Phát triển nhà Ô Cấp làm chủ đầu tư đã đem các giấy CNQSD đất một phần dự án thế chấp tại các ngân hàng: Chi nhánh VietinBank BR-VT, Chi nhánh SHbank BR-VT, Chi nhánh Eximbank BR-VT… nên việc THA tín dụng liên quan tới dự án này khó xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH

Theo Cục THADS tỉnh, từ năm 2015, Cục THADS tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh BR-VT đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành. Theo đó, thời gian qua, hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau trong công tác xử lý nợ xấu; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động của các TCTD trên địa bàn.

Theo NHNN Chi nhánh BR-VT, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh và NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT đã tạo thuận lợi khi tổ chức việc THA giữa cơ quan THADS và các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Các chi nhánh TCTD đã nâng cao trách nhiệm trong cung cấp thông tin tài sản bảo đảm cho cơ quan THADS. Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT, đã chỉ đạo thanh tra làm rõ và có văn bản phản hồi để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khi có kiến nghị từ cơ quan THADS.

Nhiều trường hợp sau khi kê biên và bán đấu giá, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các TCTD xong, thì cơ quan THA không thu đủ số tiền gốc và lãi để trả cho các TCTD, dẫn đến chưa kết thúc xong hồ sơ THA. Trong khi đó, các TCTD có cơ chế đưa ra những vụ việc này khỏi danh sách nợ xấu, chỉ để ở cơ chế theo dõi. Vì vậy, đối với những vụ việc đã xử lý xong tài sản bảo đảm vốn vay, nhưng đương sự không có tài sản nào khác, thì cơ quan THADS và NHNN cần phối hợp nghiên cứu để có cơ chế “xóa” những vụ việc này trong danh sách án cần theo dõi của ngành THADS, nhằm kéo giảm lượng án tồn đọng.

(Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT)

Ông Phạm Hồng Đức, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Từ khi quy chế phối hợp giữa hai ngành được ký kết đến nay, phần tiền THA xong trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đã đạt được những kết quả khả quan. Nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn cần có giải pháp căn cơ tháo gỡ. Để công tác THA phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới, Cục THADS tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin với NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT, nhằm tập trung tháo gỡ những vụ việc THA phức tạp liên quan đến các TCTD. Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người vay vốn của TCTD tự nguyện THA; chú trọng công tác điều hành, nâng cao chất lượng, nghiệp vụ của cán bộ, chấp hành viên, góp phần khắc phục những hạn chế, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu THA hàng năm.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.