Ngành chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn mà cần tập trung làm sạch chuồng trại dù dịch tả heo đang vào chu kỳ “giảm nhiệt”. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Châu (ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) tiêu độc khử trùng trại heo của gia đình. |
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau gần 6 tháng xuất hiện, dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, BR-VT đã có gần 1.200 ổ dịch tả heo châu Phi, với hơn 39.000 con heo bị tiêu hủy. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, sau khoảng thời gian bùng phát, gần 1 tháng qua, dịch tả heo châu Phi đang dần được kiểm soát, đang bước vào mức độ thấp nhất trong chu kỳ gây hại. Ông Trung cho biết: “Trong thời gian cao điểm, mỗi ngày, toàn tỉnh xuất hiện 20-30 ổ dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số lượng trang trại phát hiện heo bệnh giảm mạnh, chỉ từ 1-2 trại/ngày. Số địa phương có ổ dịch cũng giảm mạnh. Đến nay, đã có hơn 20 xã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch. Đây là tín hiệu rất tốt bởi so với các địa phương khác, tỉnh BR-VT bước vào chu kỳ giảm nhiệt với tổng đàn heo còn nhiều. Số lượng heo mắc bệnh chỉ chiếm hơn 9% tổng đàn, nếu tính cả số heo giảm do người chăn nuôi bán tháo thì tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 300 ngàn con. Nếu tiếp tục làm tốt, giữ được lượng heo này thì việc tái đàn sau dịch sẽ khá thuận lợi”.
Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, các nguyên nhân của việc dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh phần nào đã được kiểm soát, mức độ gây hại thấp hơn nhiều địa phương khác là nhờ cơ quan chức năng các cấp, các trang trại chăn nuôi đã thực hiện đầy đủ, đúng các khuyến cáo của cơ quan thú y. Ông Vũ Đình Thắng, Trưởng Trạm kiểm dịch huyện Châu Đức, một trong những biện pháp được chú trọng nhất là kiểm soát nguồn heo từ tỉnh khác vào BR-VT. Do đó, các trạm kiểm dịch thường xuyên, hoặc tạm thời (được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập) thực hiện công tác kiểm dịch kỹ lưỡng, đúng quy trình, nhất là khâu kiểm tra lâm sàng heo và khử trùng trước khi cho xe qua trạm để bảo đảm nguồn dịch. Các địa phương cũng đều thành lập các tổ lưu động nhằm tuần tra tại các tuyến đường tránh, đường mòn để phát hiện kịp thời các xe chở heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ né tránh các trạm kiểm dịch.
Theo ông Võ Gia Tân, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, các trang trại lớn đều thực hiện quy trình khép kín rất chặt chẽ. Công nhân gần như ở lại khu vực nuôi. Sau thời gian nghỉ, vào lại trang trại đều phải ở khu khử trùng cách ly 1-3 ngày. Không chỉ thức ăn của heo, thức ăn của công nhân, người lao động cũng được kiểm soát kỹ lưỡng. Quy trình mua bán, vận chuyển heo cũng rất chặt chẽ, phương tiện thu mua được khử trùng toàn bộ. Nhờ những biện pháp trên, dù dịch tả heo châu Phi đã lan vào các trại lớn. Tuy nhiên, đây là các trại hở, có số lượng nuôi ít (200-1.000 con) và chưa bảo đảm an toàn sinh học. Các trang trại heo thịt, trại giống có quy mô hàng chục ngàn con vẫn đang an toàn.
Dù dịch tả heo châu Phi đã bước vào giai đoạn thấp nhất trong chu kỳ gây hại, giá heo lại lên rất cao, ngành chăn nuôi vẫn khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tăng, tái đàn trong thời điểm này. Ông Nguyễn Xuân Trung cho biết thêm, hiện nay, vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có, trong khi loại vi rút này tồn tại hàng trăm ngày trong môi trường thông thường. Do đó, các hộ, trang trại đã có heo mắc bệnh cần tập trung thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không tái đàn. Các trang trại lớn, bảo đảm an toàn sinh học cũng cần chú ý, thận trọng khi nhập heo về nuôi, nhất là kiểm soát nguồn gốc và khâu vận chuyển con giống để tránh mầm bệnh.
Bài, ảnh: QUANG VINH