Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đưa ra các gói cho vay để hỗ trợ vốn cho DN đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, để tiếp cận nguồn vốn vay này không hề dễ.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải sơ chế cá đục xuất khẩu tại xưởng. |
NHIỀU GÓI VAY HỖ TRỢ DN
Cuối năm, các DN phải tăng tốc, gấp rút thực hiện các chỉ tiêu sản xuất và kinh doanh. Nhằm tiếp sức, hỗ trợ các DN hoàn thành kế hoạch năm, tạo tiền đề phát triển cho năm kế tiếp, hiện nay, các ngân hàng đang đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV. Chẳng hạn, tại Vietbank đang dành 500 tỷ đồng cho các DN mới lần đầu giao dịch với lãi suất ưu đãi 7%/năm. Ngoài hưởng lãi suất ưu đãi, các DN còn được miễn phí mở tài khoản thanh toán, miễn phí quản lý tài khoản và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Theo lãnh đạo Vietbank, đây là gói hỗ trợ lãi suất của ngân hàng nhằm giúp các DN mới có thêm nguồn vốn giá rẻ phục vụ sản xuất kinh doanh dịp Tết 2020 và cũng là gói tín dụng được Vietbank triển khai nhằm thực hiện chủ trương giảm lãi suất, khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Gói tín dụng này được Vietbank triển khai đến hết ngày 20/1/2020.
Bà Cao Thị Hồng Vân (phải), Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long và nhân viên hấp giá thể nuôi nấm đông trùng hạ thảo tại xưởng. |
Trong khi đó, Vietcombank cũng đang triển khai chương trình “An tâm lãi suất”. Với chương trình này, khách hàng cá nhân, DNNVV vay vốn trung dài hạn sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi cố định trong 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm tính từ thời đểm rút vốn, áp dụng cho các hợp đồng vay ký kết và giải ngân trong thời gian diễn ra chương trình. Ngoài ra, Vietcombank cũng đang triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất ngắn hạn”, áp dụng đến hết tháng 3/2020. Theo đó, khách hàng rút vốn vay lưu động phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh từ 12 tháng trở xuống, đáp ứng các điều kiện ưu đãi sẽ được hưởng mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 6,5%/năm.
Theo đại diện của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hiện nay nguồn vốn tại các ngân hàng rất dồi dào. Nếu DN đáp ứng các điều kiện vay sẽ nhanh chóng được giải ngân vốn. Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết, từ đầu năm đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN. Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng số tiền cam kết cho vay là 3.990 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt là 4.250 tỷ đồng với 45 DN vay vốn, dư nợ đạt 5.200 tỷ đồng (20 DN còn dư nợ), tăng 95% so với đầu năm.
Ngân hàng HD Bank ký kết hợp đồng tín dụng dự án điện mặt trời Đá bạc 4. |
NHƯNG KHÔNG DỄ TIẾP CẬN
Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa) cho biết: Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo khô, bột sinh khối và một số sản phẩm khác. Sau 3 năm hoạt động, công ty đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn vốn khuyến công tỉnh để đầu tư thêm máy móc. Việc đầu tư này đã giúp DN hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì và giúp sản phẩm tới tay người tiêu dùng được bảo quản tốt, không bị ảnh hưởng đến chất lượng bởi tác nhân của môi trường. Để giúp người tiêu dùng có nơi kiểm chứng chất lượng sản phẩm, DN muốn đầu tư 1,5 tỷ đồng mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, DN gặp trở ngại vì làm thủ tục thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, thời gian trả vốn và lãi ngắn nên DN khó đáp ứng được.
Không riêng gì Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh, nhu cầu vay vốn của các DNNVV rất lớn. Thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở, gần gũi và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, DN vẫn còn “vướng” trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp. Trong thời gian qua, Hiệp hội DNNVV tỉnh đã giới thiệu 5 DN tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng chỉ có 1 DN đáp ứng được điều kiện vay, đó là Công ty CP Tích hợp hệ thống công nghệ điện và điều khiển Pecsi.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn, trên cơ sở chỉ đạo và định hướng chung của Chính phủ, NHNN đã triển khai một loạt các giải pháp tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh bao gồm: Quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; ban hành các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực như cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời cho vay trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh cho các DNNVV sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng phối hợp với Ngân hàng Phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của các tổ chức này nhằm gia tăng cơ hội cấp tín dụng.
(Nguồn: NHNN Việt Nam)
|
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh BR-VT, hiện nay nguồn vốn tại các ngân hàng rất dồi dào. Tính đến cuối tháng 10/2019, nguồn vốn huy động đạt 138.490 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế chỉ đạt 83.900 tỷ đồng. Dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV. Nếu không có thông tin đầy đủ về DN, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa thì các ngân hàng sẽ e dè khi quyết định cho các DNNVV vay. Bởi lẽ, bản thân các ngân hàng khi cho vay cũng hết sức cân nhắc, cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của DN để bảo đảm an toàn vốn.
Bài, ảnh: PHAN HÀ-ĐÔNG HIẾU