Trong khi Nhà máy xử lý bụi lò của Công ty Zinc Oxide (ZOCV), KCN Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động gần 3 tháng nay mới chỉ đạt được 20% công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào, thì các Nhà máy thép trên địa bàn tỉnh lại vật chật thuê các công ty xử lý thép các tỉnh, thành khác đến thu gom, vận chuyển đi nơi khác xử lý. Trước nghịch lý này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các văn bản gửi đến các Nhà máy thép đề nghị ký hợp đồng cung cấp bụi lò cho Zinc Oxide xử lý.
Bụi lò thép được lưu tại kho nhà máy thép Tung Ho Việt Nam. |
ĐƯỜNG ĐI CỦA BỤI LÒ CÒN XA
Thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), trung bình mỗi năm 6 nhà máy thép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 75.000 tấn bụi lò. Riêng trong 9 tháng năm 2019, khối lượng phát sinh 47.000 tấn (tương đương 174 tấn/ngày).
Hiện nay, việc xử lý bụi lò chủ yếu được các DN thép thuê các công ty ở các tỉnh, thành khác đến thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Cụ thể, trong số 47.000 tấn bụi lò, có 43.000 tấn đã được chuyển giao cho các đơn vị xử lý. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các Công ty Kim loại màu Việt Bắc (Thái Nguyên); Công ty XNK Than khoáng sản Việt Nam (Hải Dương), Công ty Vương Anh; Công ty công nghệ môi trường Bình Phước Xanh (Bình Phước)… Số còn lại được các nhà máy thép lưu giữ trong kho chờ các đơn vị thu gom, xử lý.
Đến nay, Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide mới hoạt động 20% công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Trong ảnh: Nhà máy xử lý bụi lò của Công ty Zinc Oxide (ZOCV), KCN Phú Mỹ 3. |
Công ty TNHH MTV Thép miền Nam (VN-Steel) sản xuất và kinh doanh thép xây dựng với công suất 500.000 tấn phôi/năm và 400.000 tấn thép cán/năm. Lượng bụi lò phát sinh của nhà máy 600 tấn/tháng. Hiện nhà máy đang ký hợp đồng xử lý bụi lò với Công ty CP kim loại màu Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) và Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (tỉnh Hải Dương). Trong khi đó, Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2) có công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm đối với luyện phôi thép và 600.000 tấn/năm đối với cán thép. Với công suất này, lượng bụi lò phát sinh trung bình khoảng 6.000 tấn/năm. Ông Huang Bing Hua, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam cho biết: Trước đây, toàn bộ lượng bụi lò phát sinh được công ty ký hợp đồng thu gom và vận chuyển ra Bắc để xử lý.
Theo phản ánh của một số DN sản xuất thép trên địa bàn tỉnh, việc đưa bụi lò ra địa phương khác xử lý không chỉ tốn kém nhiều chi phí mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, trong quá trình hợp đồng với các công ty ở địa phương khác vận chuyển, nếu một nhà máy xử lý bụi lò nào bị trục trặc thì lượng bụi lò không được thu gom xử lý. Vì vậy, có những thời điểm, lượng bụi lò tồn đọng trong các nhà máy lên đến hàng chục ngàn tấn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác động tác đến môi trường.
Sản xuất thép tại nhà máy thép Tung Ho Việt Nam. |
CÁC DN THÉP VẪN LOAY HOAY BÀI TOÁN BỤI LÒ
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã kêu gọi các DN có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bụi lò. Cuối tháng 1/2018, Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam (ZOCV) đã khởi công dự án Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide. Nhà máy này có năng lực tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm (HZO, loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao (IZO, loại 80%), dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ cho thị trường nội địa và quốc tế. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, công suất thiết kế 100.000 tấn EAFD/năm; 35.000 tấn HZO hoặc 25.000 tấn IZO/năm. Và chỉ sau 18 tháng kể từ ngày khởi công, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, Nhà máy xử lý bụi lò đã được đưa vào hoạt động.
Ngay sau khi ZOCV đưa nhà máy đi vào hoạt động, một số DN thép đã đưa bụi lò đến đây để xử lý. Chẳng hạn như Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam, từ tháng 7/2019 đến cuối tháng 10/2019 công ty đã vận chuyển cho Zinc Oxide xử lý 1.688 tấn bụi lò.
Lãnh đạo Công ty Zinc Oxide cho biết, hiện nay trung bình mỗi tháng, Công ty tiếp nhận xử lý 1.500 tấn bụi lò thép từ 2 nhà máy thép VinaKyoei và Tung Ho Việt Nam. Từ tháng 11/2019, nhà máy sẽ có thêm 1.000 tấn bụi lò/tháng của Công ty TNHH Posco SS Vina.
Mặc dù, đã có một số DN thép đưa bụi lò về ZOCV xử lý, nhưng so với lượng bụi lò phát sinh tại các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh thì hiện nay, tỷ lệ đưa bụi lò về xử lý tại ZOCV còn chiếm tỷ lệ rất ít. Hiện nhà máy này mới chỉ hoạt động 20% công suất. Theo phản ánh của một số DN thép, sở dĩ họ chưa chuyển bụi lò về Zinc Oxide xử lý là do chi phí xử lý của đơn vị này quá cao. Cụ thể, đối với lượng bụi lò có tỷ lệ kẽm dưới 15% thì chi phí xử lý là 200USD/tấn. Ngoài ra, phía Zinc Oxide cũng đưa ra yêu cầu phải ký hợp đồng 10 năm là quá lâu nên các DN phải đàm phán, tính toán lại.
Bụi lò thép được Bộ TN-MT xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Bởi trong thành phần bụi thép có chứa nhiều kim loại nặng độc hại và chất dioxin/furans (sinh ra từ quá trình cháy tạp chất nhựa có chứa clo). Do đó, nếu không được xử lý đúng cách, những loại chất thải này có thể gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. |
Tuy nhiên, qua trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, lãnh đạo ZOCV khẳng định: Zinc Oxide không thể tính chi phí chính xác vì phụ thuộc vào hàm lượng kẽm trong bụi. Về thời hạn hợp đồng, lãnh đạo ZOCV cho biết: Việc ký hợp đồng dài hạn là dựa trên lợi ích của đôi bên và thể hiện trách nhiệm với nhau. Trước đây, các DN thép ký hợp đồng với các Công ty khác, khi giá kẽm thấp, các công ty xử lý không thể kiếm được lợi nhuận nên ngừng thu gom bụi lò, dẫn đến lượng bụi lò tồn lại trong kho, gây ra vấn đề môi trường cho tỉnh. Trong khi đó, khi ZOCV tham gia dự án, Chính phủ yêu cầu Công ty cam kết thu gom bụi lò trong mọi trường hợp ngay cả khi giá kẽm thấp. Sự biến động của giá kẽm, đôi khi Công ty không tạo ra lợi nhuận. Do đó, hợp đồng dài hạn sẽ có lợi cho cả nhà máy thép và sự vận hành ổn định cho nhà máy xử lý bụi lò.
Để nâng cao hoạt động công suất Nhà máy, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản gửi đến các nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh đề nghị ký hợp đồng cung cấp bụi lò cho Zinc Oxide xử lý.
PHAN HÀ- QUANG VŨ