Trước yêu cầu về nguồn nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi “sạch từ trang trại đến bàn ăn” là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ sở giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhân viên Công ty CP Nông nghiệp sạch Sao Mai kiểm tra sự phát triển của rau thủy canh. |
Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Đây là thách thức cho người sản xuất nhưng đồng thời cũng là cơ hội để gia tăng giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng công nghệ vào sơ chế, chế biến theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Ngoài ra, trước đòi hỏi khắt khe của thị trường, một trong những giải pháp hiệu quả để duy trì thị trường đối với người sản xuất là tham gia vào các chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP).
Ông Nguyễn Công Chính (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) cho biết: Từ tháng 7/2015, cơ sở giết mổ tập trung do ông làm chủ tham gia “chuỗi ATTP”. Để tham gia “chuỗi ATTP”, ông đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua sắm thêm hệ thống móc treo, lát gạch khu vực giết mổ và xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas với sức chứa 20m3/ngày. Heo được mua từ DN Bảo Ngọc - là cơ sở chăn nuôi cũng đã tham gia “chuỗi ATTP” nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm dễ dàng. Sau khi giết mổ và được kiểm dịch viên đóng dấu, thịt heo được cung cấp cho cơ sở kinh doanh tại chợ Ngọc Hà (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) và hệ thống siêu thị Co.op Mart, MM Mega Market (TP. Vũng Tàu).
Người dân mua rau củ tại cửa hàng Vifarm. |
Theo ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm được xác nhận sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, với 46 cửa hàng, gồm: 17 chuỗi rau, thịt gà, thịt bò, thịt heo, chuỗi cá chỉ vàng khô tẩm gia vị, chả cá; tôm nuôi và 4 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (cá đù một nắng, tiêu đen Bầu Mây, tiêu đỏ Bầu Mây, tiêu xanh muối). Mỗi năm, sản lượng của các sản phẩm thuộc chuỗi cung cấp ra thị trường khoảng 3.312 tấn. Toàn bộ 21 chuỗi thực phẩm an toàn đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí gồm: Điều kiện sản xuất; quản lý chất lượng theo các chứng nhận VietGAP, HACCP, GlobalGAP; ghi nhãn sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm trong chuỗi được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh các cửa hàng thực phẩm sạch thuộc chuỗi ATTP, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện các chuỗi cửa hàng bán lẻ của nhiều DN lớn như chuỗi cửa hàng Co.op Food (Saigon Co.op), chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (Tập đoàn Vingroup), Vifarm, Sao Mai… Các mô hình này tiếp tục có xu hướng phát triển sẽ tạo thêm kênh mua sắm thực phẩm an toàn, bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng. Theo đại diện siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, đơn vị luôn ưu tiên chọn hàng của những HTX có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, ký hợp đồng bao tiêu nông sản và tiến hành ứng vốn cho các HTX này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón. Mặt khác, siêu thị cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, không chỉ tại đơn vị sản xuất mà còn lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh các điểm bán để kiểm định, phân tích chất lượng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc phát triển mô hình kinh doanh sản phẩm sạch, xây dựng và quản lý ATTP theo chuỗi giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm ATTP. Đồng thời việc tham gia chuỗi giúp chủ cơ sở tiết kiệm, dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Uy tín và thương hiệu của các cơ sở ngày càng được nâng cao, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng nhận diện và tin tưởng. Qua các đợt kiểm tra hàng năm cho thấy, các cửa hàng thuộc chuỗi đều thực hiện nghiêm túc theo quy định về ATTP, nguồn gốc xuất xứ.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU