Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu, cung cấp nước cho khoảng 17 triệu dân. Tuy nhiên, hệ thống sông Đồng Nai đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ, nằm cạnh sông Thị Vải (thuộc hệ thống sông Đồng Nai). Ảnh: MINH TÂM |
Đây là những vấn đề được đặt ra tại Phiên họp lần thứ 13 do Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (UBBVMTLV) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh BR-VT sáng 22-11. Tại đây, các đại biểu tham dự hội nghị đều nhận định, môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai đang bị ảnh hưởng do áp lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước này cực kỳ quan trọng, cần sự chung tay của các bộ, ngành và các tỉnh thành thuộc lưu vực hệ thống sông này.
VẪN CÒN Ô NHIỄM CỤC BỘ
Theo báo cáo của Văn phòng UBBVMTLV hệ thống sông Đồng Nai, trong những năm qua, các bộ, ngành và địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, chủ động nhằm bảo vệ nguồn nước quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cụ thể, Ủy ban đã phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, kiểm soát chặt ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp nâng cao nhận thức cho người dân, DN; đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường trên hệ thống sông Đồng Nai. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai hiệu quả. 11/11 tỉnh, thành phố tiếp tục thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập kế hoạch quản lý. 9/11 địa phương đạt tỷ lệ 100% các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các địa phương có số lượng KCN lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT, TP. Hồ Chí Minh… Từ những biện pháp trên, qua khảo sát, chất lượng nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho thấy, dòng chính các sông cơ bản được duy trì ổn định.
Người dân nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải (thuộc hệ thống sông Đồng Nai). Ảnh: MINH TÂM |
Tuy nhiên, một số khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai vẫn còn ô nhiễm cục bộ. Ví dụ như tại sông Sài Gòn, chất lượng nước thay đổi rõ rệt, giảm dần từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Tổng cộng, chỉ có 28% giá trị đạt mức sử dụng cho mục đích sinh hoạt (cần biện pháp xử lý phù hợp) và 47% lượng nước có thể phục vụ tưới tiêu và các mục đích tương đương khác trở lên. Đây là tình trạng chung của các con sông thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Người dân đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải (thuộc hệ thống sông Đồng Nai). Ảnh: MINH TÂM |
Trong đó, một số nguyên nhân gây nên tình trạng này là hoạt động khai thác, nạo vét cát trái phép trên sông chưa được quản lý chặt chẽ; vẫn còn DN xả nước, khí thải vượt ngưỡng, gây ô nhiễm môi trường… Thậm chí, có lúc, có nơi đã lên đến mức báo động. Đặc biệt, hiện vẫn còn một số dự án sản xuất thuộc lưu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, chưa kiểm soát chặt chẽ việc xả thải và thiếu biện pháp bảo vệ môi trường. Hệ lụy của nó có thể ảnh hưởng lâu dài tới đời sống con người.
ÔNG LÊ TUẤN QUỐC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BR-VT BR-VT sẽ làm hết sức để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai Những năm qua, BR-VT đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Cụ thể, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành điều tra, thống kê, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải; yêu cầu tất cả các KCN, CCN đầu tư, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động; đầu tư kết cấu hạ tầng để xử lý chất thải rắn... BR-VT cũng đã ký kết và triển khai các Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường với các địa phương giáp ranh. |
PHỐI HỢP CHẶT CHẼ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC
Theo đánh giá, trong thời gian tới, dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai càng tăng mạnh. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước, bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân là hết sức cấp thiết. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh BR-VT nhận định, thời gian qua, dù đã có nhiều biện pháp tích cực, tuy nhiên việc quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý chưa được thực hiện toàn diện mà vẫn dựa nhiều vào địa giới hành chính. Việc quy hoạch phát triển chủ yếu theo từng ngành riêng rẽ như thủy lợi, thủy điện… Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật phân cấp trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp, chưa rõ ràng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả, thiếu thống nhất. Ví dụ như các thành viên thuộc các UBBVMTLV sông Đồng Nai là các đại diện kiêm nhiệm… “Do đó, để việc quản lý, bảo vệ môi trường nước tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các bộ, ngành địa phương cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, như: ban hành các chính sách, quy định về tổ chức bộ máy quản lý lưu vực sông, quy định về đánh giá sức chịu tải và xác định hạn ngạch xả thải, quy định về chia sẻ và công bố thông tin, phục vụ quản lý môi trường lưu vực sông… Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào công tác kiểm kê nguồn thải, lập cơ sở dữ liệu và tăng cường kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn, đồng thời cần thẩm định kỹ khi cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm và coi trọng công tác hậu kiểm. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân dư, khu công nghiệp lưu vực hệ thống sông Đồng Nai”, ông Hải kiến nghị.
Cũng tại phiên họp lần thứ 13 đã diễn ra lễ ký kết chuyển giao chức vụ Chủ tịch UBBVMTLV hệ thống sông Đồng Nai từ Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT sang Chủ tịch UBND tỉnh Long An. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Long An sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBBVMTLV hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ VI (2020-2021) và cũng là nhiệm kỳ tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2020. |
Còn theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, một trong những biện pháp quan trọng nhất là tăng cường đầu tư, bổ sung trang thiết bị và nhân lực cho công tác điều tra, quan trắc môi trường, bảo đảm khả năng kết nối thông tin của Trung ương và địa phương, tạo nên hệ thống đồng bộ, hiệu quả, phục vụ công tác quản lý của toàn lưu vực. Thời gian tới, quan trắc không chỉ đơn thuần phản ánh tình hình của hiện tại, mà còn phải dự báo được những biến động có thể xảy ra, từ đó, giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp để ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cần có công tác, quy chế cụ thể để phối hợp chặt chẽ, không chỉ trong bảo vệ nguồn nước tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mà còn về quản lý tài nguyên và môi trường vùng giáp ranh.
QUANG VINH