.

Nghề "nướng" tầm vông cho thu nhập ổn định

Cập nhật: 20:05, 15/11/2019 (GMT+7)

Đốt củi lấy lửa than hồng nướng tầm vông hay còn gọi là uốn tre tầm vông để giúp cây suôn thẳng không bị cong. Đây là nghề có gần 30 năm ở vùng đất Tam Phước, huyện Long Điền, giúp hàng chục hộ dân có thu nhập khá và hơn 150 lao động có việc làm ổn định.

Gia đình chị Trương Thị Hạnh (Tổ 20, ấp Phước Trung, xã Tam Phước) mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ 8 sào tre tầm vông.
Gia đình chị Trương Thị Hạnh (Tổ 20, ấp Phước Trung, xã Tam Phước) mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ 8 sào tre tầm vông.

Mới sáng sớm, lò uốn tầm vông Kim Phụng (tổ 27, ấp Phước Trung, xã Tam Phước) do hai vợ chồng anh Nguyễn Kim Phụng làm chủ đã rộn ràng, tấp nập. Tre từ các nơi được xe tải, xe ba gác chở đi, chở về liên tục. Người nhanh chân vác tre vào, sắp xếp cho ngay ngắn bên bếp lò, người thì thổi lửa đốt củi, người thì xếp tre lên trên lò lửa… tất cả đều khẩn trương nhưng chính xác, an toàn khi làm việc.

Anh Nguyễn Kim Phụng (SN 1975, quê Bình Định), người có kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề uốn tầm vông cho biết: “Năm 1985, khi vào xã Tam Phước lập nghiệp tôi đã gắn bó với cây tre. Mỗi ngày, các chủ lò ở đây thuê tôi đi chặt tre, vác tre, sau đó tôi mày mò học nghề uốn tre tầm vông. Đến năm 2007, tôi mở cơ sở làm riêng cho đến bây giờ. So với một số công việc khác, nghề uốn tre tầm vông có việc làm ổn định quanh năm”.

Hiện tại lò uốn tre tầm vông của anh Phụng có hơn 15 lao động làm việc thường xuyên. Thợ nướng, uốn và chặt tre tầm vông đều hưởng tiền công tùy thuộc số lượng sản phẩm hoàn thành, bình quân từ 2.000 - 2.500 đồng/cây. Người có tay nghề cao sẽ làm được từ 200 - 300 cây/ngày. Công việc thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 17 giờ chiều mỗi ngày. Những ngày cao điểm, nhu cầu về số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm thêm đến 19 giờ tối.

Cơ sở uốn tre Kim Phụng được xem là nơi cung ứng tre tầm vông lớn nhất xã Tam Phước vì nguồn tre tầm vông được anh Phụng thu mua từ các vùng trồng tre trong và ngoài tỉnh, thậm chí anh còn mua tre tầm vông ở Campuchia. Với 4 lò nướng, uốn hoạt động liên tục, vợ chồng anh Phụng xuất bán ra thị trường gần 1.000 cây tre tầm vông/ngày. Sau khi trừ chi phí công chặt, công uốn, than củi, xe vận chuyển… vợ chồng anh Phụng thu lãi từ 1.500 - 2.000 đồng/cây.

Còn anh Nguyễn Văn Phong (SN 1983, ở ấp Phước Trung, xã Tam Phước), từ hai bàn tay trắng khi mới cưới vợ (năm 2006), đến nay trong tay anh đã có một cơ sở mua bán tre và 3 lò nướng, uốn tre, cho thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Sau khi học và làm nghề uốn tre, năm 2008 tôi mở cơ sở riêng. Thời gian đầu rất khó khăn vì thiếu vốn sản xuất, nhưng được Hội Nông dân xã tạo điều kiện để gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Long Điền, từ đó, tôi có vốn mua nguyên liệu, xây thêm lò uốn tre. Đến nay, gia đình tôi không những đã mua được miếng đất riêng để mở lò uốn tre và mua bán tre tầm vông mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng”.

Theo anh Phong, công đoạn khó nhất là phải canh lửa trong các lò than sao cho cháy đều, nóng nhiều để thời gian nướng, uốn nhanh hơn, thường từ 4-5 phút mỗi cây. Hiện anh Phong vừa là thợ uốn tre vừa là thương lái đi các nơi mua tre về làm. “Tam Phước tuy hình thành nghề uốn tre lâu năm nhưng hiện nay trước xu hướng đô thị hóa, diện tích trồng tre chẳng còn bao nhiêu nên các cơ sở có lò uốn tre đều phải đi mua tre ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước… về mới đủ hàng cung cấp cho thị trường tiêu thụ”, anh Phong cho biết.

Tre tầm vông sau khi được nướng, uốn ở xã Tam Phước được bỏ mối cho các vựa thu mua trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ bán lẻ tre tầm vông cho người dân nuôi trồng thủy sản; rào chắn nuôi gà, vịt; làm trang trại, nhà cửa, làm thang… chiếm gần 50% số lượng tre bán ra. Giá bán tre tầm vông đã được nướng, uốn từ 30-70 ngàn đồng/cây (tùy loại từ 4-9m/cây).

Bên cạnh việc “ăn nên làm ra” của các lò uốn tre, người trồng tre tầm vông trên địa bàn xã Tam Phước cũng có thu nhập khá ổn định. Vợ chồng chị Trương Thị Hạnh (tổ 20, ấp Phước Trung, xã Tam Phước) trồng khoảng 8 sào tre tầm vông. Nhờ có nguồn nước tưới, thỉnh thoảng bón phân chuồng nên tầm vông mau lớn. Theo chị Hạnh, tầm vông không kén đất, nếu chịu khó đầu tư thì cây sẽ mau lớn, nhanh thu hoạch. “Tầm vông 3 năm tuổi bắt đầu cho khai thác, nhưng sản lượng ổn định từ 5 năm tuổi. Sản phẩm tầm vông lúc nào cũng có người mua. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 8 lò chuyên uốn tầm vông nên không sợ bị ế hàng. Nhờ vườn tầm vông, hàng năm, vợ chồng tôi thu không dưới 80 triệu đồng...”, chị Hạnh cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, đất đai ngày càng thu hẹp nên diện tích trồng tầm vông còn rất ít, xã chỉ còn khoảng 10ha trồng tầm vông, tập trung chủ yếu tại ấp Phước Trung. Trồng tầm vông đem lại hiệu quả kinh tế ổn định so với nhiều loại cây trồng khác và thích nghi với vùng đất cát, vùng ven suối. Mô hình trồng tre tầm vông, mở lò sản xuất tre trên địa bàn xã trong thời gian qua cũng đã được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực để địa phương hoàn thành chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2020.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG – CHIÊU CÔNG

.
.
.