.

Quyết liệt, mạnh mẽ vì sự phát triển của tỉnh

Cập nhật: 21:47, 14/11/2019 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 14/11 để nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.  

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

Phát biểu tại cuộc họp, các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng của tỉnh trong năm 2019. Đồng thời, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thảo luận, làm rõ những mặt tích cực cần phát huy, phân tích những mặt còn hạn chế. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tham dự cuộc họp cũng đã giải đáp, làm rõ thêm nhiều vấn đề đang được quan tâm.

Trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) ước khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12%. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ). Ảnh: TRÀ NGÂN
Trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) ước khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12%. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ). Ảnh: TRÀ NGÂN

Ông Lương Trí Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy bày tỏ lo ngại về việc chưa khắc phục triệt để tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. “Ngư trường trong nước ngày càng cạn kiệt do hình thức đánh bắt tận diệt. Trong khi đó, ngư dân vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, ra đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Sở NN-PTNT cần tham mưu Tỉnh ủy, UBND có giải pháp, lộ trình khắc phục cụ thể”, ông Lương Trí Tiên đề nghị.

Trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) ước khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12%. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ. Ảnh: TRÀ NGÂN
Trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) ước khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12%. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ. Ảnh: TRÀ NGÂN

Về vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng kiểm ngư, hải quân kiểm soát tàu ra vào và túc trực tại các vùng biển chồng lấn để ngăn ngư dân đưa tàu vào các khu vực này. Giải pháp căn cơ nữa là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 700/2.900 tàu cá lắp đặt thiết bị. Số còn lại thực hiện theo lộ trình, hạn chót đến trước ngày 1/4/2020 phải hoàn tất. Ngoài ra, chế tài xử phạt chủ tàu không gắn thiết bị giám sát hoặc không có giấy phép hoạt động, xâm phạm vùng biển nước ngoài cũng rất nặng, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tổng cục Thủy sản cũng đã có phần mềm quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển. Đây là cơ sở để xử phạt chủ tàu vi phạm và là giải pháp lâu dài để kiểm soát tàu cá. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương về việc chủ tàu nào có 1 tàu xâm phạm vùng biển nước ngoài, đã được nhắc nhở nhưng còn tiếp tục vi phạm sẽ bị đình chỉ có thời hạn tất cả các tàu của chủ này và nếu còn ngoan cố vi phạm sẽ đình chỉ vĩnh viễn. “Với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương và các ban, ngành, tôi tin rằng việc ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm, tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm đúng theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đạt được”, ông Cường nhấn mạnh.

Chính phủ, ngành NN-PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề cá bền vững. Trong ảnh: Ngư dân lấy cá lên khoang tàu tại cảng Bến Đá, TP. Vũng Tàu.  Ảnh: QUANG VINH
Chính phủ, ngành NN-PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề cá bền vững. Trong ảnh: Ngư dân lấy cá lên khoang tàu tại cảng Bến Đá, TP. Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VINH

Về mức chi tiêu khoảng hơn 1 triệu đồng/du khách khi đến BR-VT, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng còn thấp. Nguyên nhân là do địa phương thiếu dịch vụ, sản phẩm để thu hút và giữ chân du khách. “Việc phát triển kinh tế đêm tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu chưa được triển khai. Trong khi chờ quy hoạch Bãi Sau, tỉnh nên mạnh dạn quy hoạch một số tuyến phố đi bộ để làm thí điểm. Thu nhập từ khách du lịch tăng lên thì thu nhập, đời sống người dân cũng được cải thiện, đó cũng là cách để giúp nâng cao đời sống người dân”, ông Khoa phân tích.

Chính phủ, ngành NN-PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề cá bền vững. Trong ảnh: Ngư dân phân loại cá tại cảng Hưng Thái, huyện Long Điền.  Ảnh: QUANG VINH
Chính phủ, ngành NN-PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề cá bền vững. Trong ảnh: Ngư dân phân loại cá tại cảng Hưng Thái, huyện Long Điền. Ảnh: QUANG VINH

Ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh giải thích, chợ đêm, phố đi bộ do địa phương chủ động tổ chức. Tuy nhiên, việc tổ chức chợ đêm, phố đi bộ cần phải bảo đảm không gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự và bảo đảm ATVSTP. “Chúng ta đã mất nhiều năm để làm cho bãi biển thông thoáng, sạch sẽ. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại xin làm chợ đêm và phố đi bộ, dựng kios bán hàng trên đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu. Liệu rằng có tái diễn tình trạng mất trật tự, vệ sinh môi trường, kẹt xe như trước? Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh xem xét, chọn địa điểm làm chợ đêm, phố đi bộ cho phù hợp”, ông Long lưu ý.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng nêu lộ trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn chậm; hoạt động của các trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng chưa hiệu quả; công tác bán đấu giá các khu đất công chưa đạt kế hoạch, công tác thu hút đầu tư chưa như mong muốn...

Trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) ước khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12% (nghị quyết tăng 9,11%). Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước 5,082 tỷ USD, tăng 14,02% (nghị quyết đạt 4,95 tỷ USD, tăng 12,1%); kim ngạch nhập khẩu ước khoảng hơn 6,9 tỷ USD, tăng 12,19%. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước khoảng 8.362 tỷ đồng, tăng 3,45% (nghị quyết 3,81%); giá trị sản xuất ngư nghiệp ước đạt 10.777 tỷ đồng, tăng 4,21% (nghị quyết 4,21%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 82.676 tỷ đồng, vượt 11,1% dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt hơn 21.449 tỷ đồng, vượt 15,7% dự toán…

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Quan điểm của tỉnh là tiếp tục kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, không nóng vội, thu hút đầu tư có chọn lọc; kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi sự phát triển để rơi vào cái bẫy thiếu bền vững. Chúng ta phải nỗ lực “trải thảm đỏ” để thu hút các dự án tốt vào địa phương. Về nguồn vốn ngân sách dự phòng khoảng 7.000 tỷ đồng của tỉnh chưa sử dụng đến, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đang có nhiều dự án trọng điểm rất cần vốn như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, dự án khu công viên văn hóa Bàu Trũng, đường Long Sơn-Cái Mép... Do đó, các sở, ngành, địa phương phải tập trung rà soát, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm để phục vụ sự phát triển của tỉnh nhằm nâng cao đời sống người dân. “Việc gì tốt cho sự phát triển của tỉnh thì phải theo đuổi đến cùng. Nếu chúng ta do dự, lỡ mất cơ hội phát triển là có lỗi với nhân dân. Chúng ta phải quyết liệt lựa chọn đường hướng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

NGUYỄN ĐỨC 

.
.
.