Ngày 29/11, tại TP. Vũng Tàu, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tỉnh BR-VT tổ chức Hội nghị “Giới thiệu tiềm năng xuất khẩu - đầu tư khu vực tỉnh BR-VT và các tỉnh phía Nam”. Tại hội nghị, bên cạnh giới thiệu tiềm năng, những mặt hàng mong muốn được xuất khẩu của tỉnh, các đại biểu đã cung cấp những thông tin về thị trường, nhu cầu tiêu thụ, qua đó góp phần mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho Việt Nam và BR-VT.
Công nhân Công ty CP sản xuất và thương mại Thuận Huệ sơ chế cá chai xuất khẩu tại xưởng. |
NHIỀU SẢN PHẨM CỦA TỈNH MUỐN VƯƠN RA THẾ GIỚI
Ông Nguyễn Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (TX. Phú Mỹ) cho biết: Công ty Thảo Nguyên chuyên xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là hạt điều với sản lượng xuất khẩu mỗi năm bình quân hơn 10 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đến nay hơn 100 triệu USD/năm. Những năm gần đây, công ty đã chủ động cân đối năng lực sản xuất với cung ứng thị trường như: ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), đầu tư thiết bị máy móc, để nâng cao sức cạnh tranh, giảm thiểu các yếu tố phụ thuộc bên ngoài. Hiện nay, ngoài sản phẩm thô, DN đang hướng đến sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm ăn liền từ các loại hạt. DN mong muốn các ngành chức năng, cơ quan tham tán nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin phân tích thị trường, các chính sách mới của các quốc gia là đối tác xuất khẩu, tiếp cận thông tin nâng cao kỹ thuật chế biến nông sản, bảo quản, giám định hàng hóa tốt nhất để DN có định hướng, chủ động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, DN cũng mong muốn được hỗ trợ pháp lý khi có xảy ra tranh chấp thương mại.
Còn bà Đồng Thị Huệ, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Thuận Huệ (TP. Vũng Tàu) cho biết: Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cá biển có chứng nhận chất lượng của EU và đang xuất khẩu sản phẩm qua Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng, Thuận Huệ xuất 7-8 container hải sản khô sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Hiện tại, Công ty mong muốn xuất khẩu qua thị trường Nga và muốn nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Indonesia và Malaysia.
Theo ông Võ Trịnh Triều, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh, BR-VT là địa phương có tiềm năng về du lịch, thương mại và công nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng tầm. Vì vậy, tỉnh mong muốn các sản phẩm nông nghiệp như tiêu, cà phê, điều; các sản phẩm thủy hải sản chất lượng; các sản phẩm dệt may, tiểu thủ công nghiệp; các sản phẩm thủy hải sản khô, chế biến; nhóm các sản phẩm mới dựa trên những vùng nguyên liệu đặc trưng và sẵn có của BR-VT như: thảo dược, gia vị, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai từ trái cây của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thủ công mỹ nghệ… được liên kết sản xuất và tiếp cận với nhiều thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Công ty TNHH May mặc Thăng Long có năng lực sản xuất khoảng 90 ngàn sản phẩm may mặc/tháng là một trong những công ty mong muốn tìm kiếm mở rộng thị trường sang EU, ASEAN, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Brazil. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May mặc Thăng Long trong giờ sản xuất. |
SẴN SÀNG HỖ TRỢ KẾT NỐI
Tại hội nghị, đại diện tổng lãnh sự quán, đại sứ quán, tham tán của các nước tại Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin về nhu cầu thị trường xuất khẩu, giúp các DN xuất khẩu Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới.
Ông Dmitry Makarov, đại diện Cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết: Mặc dù Nga có 40% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu nhưng chủ yếu là cá nước lạnh nên Nga cũng rất cần nhập khẩu thủy hải sản của Việt Nam, nhất là cá ngừ và các sản phẩm từ cá ngừ. Do đó, các DN có nhu cầu xuất khẩu có thể trực tiếp liên lạc với Cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, địa chỉ số 40 Bà Huyện Thanh Quan, TP. Hồ Chí Minh để được hỗ trợ.
Đại biểu dự hội nghị tham quan các gian hàng triển lãm. |
Còn ông Servio S. Samudio B., đại sứ Panama cho rằng: Qua những chia sẻ và trực tiếp thử các sản phẩm của BR-VT trưng bày tại Hội nghị, các sản phẩm của BR-VT như: mật ong, nấm đông trùng hạ thảo, nghệ, ca cao, chocolate… có chất lượng tốt, nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận HACCP, Organic, EU. Mẫu mã bao bì cũng được đầu tư bài bản, tạo nét khác biệt riêng. Các sản phẩm này có thể xuất khẩu được. Thị trường Panama hiện đang rất cần hàng hóa của Việt Nam, đây cũng là điểm trung chuyển để hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước Nam Mỹ Latinh. “Nếu các DN Việt Nam, BR-VT có nhu cầu xuất khẩu, chúng tôi sẽ kết nối, hỗ trợ các DN tiếp cận với các DN ở các nước trên. Khi cần DN có thể liên hệ với văn phòng tại Hà Nội số 44B Lý Thường Kiệt; tại TP.Hồ Chí Minh, 7A Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận I”, ông Servio S. Samudio B. nhấn mạnh.
Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) toàn tỉnh đạt hơn 4,12 tỷ USD, tăng 13,75% so với cùng kỳ 2018. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô (64,75%), tương đương với gần 2,7 tỷ USD, tăng 20,53%. DN 100% vốn trong nước là gần 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35,25%, tăng 3,1%. Nhóm hàng CN - TTCN vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 95,94% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô (gần 4 tỷ USD); tiếp đến là nhóm thủy sản chiếm 3,21% (132,45 triệu USD); nhóm nông lâm sản chiếm 0,84% (34,82 triệu USD).
(Nguồn: Sở Công thương)
|
Còn đại diện Tổng lãnh sự quán Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 9/2019, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt 5 tỷ USD, trong đó xuất siêu của Việt Nam sang Campuchia đã đạt tới 4 tỷ USD. Thị trường Campuchia rộng lớn và đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có BR-VT, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Campuchia mong muốn được thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại đầu tư của BR-VT, vì vậy, Campuchia luôn chào đón và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện với tất cả DN đến từ BR-VT.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU