Trên địa bàn TP. Vũng Tàu có hơn 400 cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư (KDC) gây ô nhiễm về khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn... ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. TP. Vũng Tàu đã có chủ trương di dời các cơ sở này vào cụm TTCN Phước Thắng, tuy nhiên do dự án này chậm triển khai nên việc làm này vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Một cơ sở giết mổ gia súc trên đường Dương Vân Nga (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) nằm ngay trong khu dân cư, bị người dân phản ánh gây ô nhiễm. |
NHIỀU CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM
Theo phản ánh của bà Lê Thị Đỗ (110 Trần Bình Trọng, phường 8, TP. Vũng Tàu), thời gian qua hoạt động của gara ô tô Hoàng Lộc Phát ngay sát bên cạnh thường xuyên phát ra tiếng ồn rất lớn, mùi khét, mùi hàn, mùi sơn bay vào nhà gây khó chịu và nguy hiểm cho trẻ nhỏ, người lớn khi hít phải. “2 ông bà già về hưu suốt ngày ở nhà chăm cháu nhỏ, tiếng ồn và mùi hôi từ việc phun sơn xe ô tô từ gara bên cạnh không sao chịu nổi. Không những ảnh hưởng đến hộ cận kề như nhà tôi mà nhiều hộ xung quanh cũng phản ánh và ký vào đơn kiến nghị gửi lên UBND phường 8”, bà Đỗ nói.
Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Nguyễn Văn Thùy, cán bộ môi trường UBND phường 8 cho biết, trước phản ánh của người dân, chủ gara Hoàng Lộc Phát đã đầu tư làm mái vòm, lợp tôn che chắn hết phần phía bên nhà bà Đỗ để giảm bớt bụi và mùi sơn. Tuy nhiên, với hàng chục chiếc xe ô tô cần làm đồng, sửa chữa tại gara mỗi ngày thì việc làm này chỉ mới hạn chế được phần nhỏ tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn. “Về lâu dài, các cơ sở sản xuất, gia công như thế này cần phải di dời vào các khu sản xuất tập trung, xa khu dân cư”, ông Thùy nói.
Doanh nghiệp tư nhân Anh Đào (117/22 Huyền Trân Công Chúa) chuyên thu mua ve chai gây ô nhiễm trong khu dân cư, lấn chiếm lòng đường hẻm. |
Ngoài các gara, cơ sở thu mua ve chai, xưởng làm đồ mộc… thì chế biến hải sản là ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên địa bàn TP. Vũng Tàu như: Phường 5, phường 6, phường 12, phường Thắng Nhì… Trong đó, địa bàn tập trung nhiều cơ sở chế biến hải sản nhất là phường 12 với 33 cơ sở. Anh Trần Văn Toàn (đường ven biển Cửa Lấp, phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, mỗi lần đi qua Cửa Lấp, mọi người phải bịt kín mũi vì mùi hôi từ những đầm chứa nước thải của các cơ sở chế biến hải sản. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn. Theo lãnh đạo UBND phường 12, hiện vẫn còn một số cơ sở chế biến hải sản quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa có giải pháp xử lý nước thải nên nước thải chưa qua xử lý vẫn đang được thải ra môi trường, gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân. Trong đó, nặng nề nhất là khu vực Cây Khế, đê Hải Đăng, cầu Cửa Lấp.
Các cơ sở làm nghề cá xả nước trực tiếp xuống kênh Bến Đình (phường 5, TP. Vũng Tàu). |
VÌ SAO CHƯA DI DỜI RA KHỎI KDC?
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, quan điểm của TP. Vũng Tàu là kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường KDC đưa vào sản xuất tập trung tại cụm TTCN Phước Thắng. Tuy nhiên, dự án này chậm tiến độ do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên việc di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong KDC vẫn chưa được thực hiện.
Cụ thể, cụm TTCN Phước Thắng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào tháng 5/2017 nhằm phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Dự án có mức đầu tư hơn 543 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tháng 8/2019, UBND TP.Vũng Tàu có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm TTCN và đô thị Phước Thắng. Ông Thảnh cho biết thêm, hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đang trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt điều chỉnh do công tác điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi một số tuyến đường và hạ tầng kỹ thuật liên quan. “Để đẩy nhanh tiến độ dự án, chúng tôi đang tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến tháng 9/2020 giải tỏa xong mặt bằng toàn bộ dự án (khoảng 396.000m2). Song song đó, chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt kinh phí để triển khai giai đoạn 1 từ đầu năm 2020”, ông Thảnh nói.
Ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cho biết, 400 cơ sở sản xuất nằm rải rác trong các KDC có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào 4 nhóm. Cụ thể, nhóm các cơ sở gây ô nhiễm do chất thải lỏng tập trung ở các ngành sản xuất nước đá, sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất sơn. Nhóm các cơ sở gây ô nhiễm do chất thải rắn tập trung chủ yếu các ngành sản xuất gia công cơ khí, sản xuất mộc, cưa xẻ gỗ, sản xuất than các loại và tái chế phế phẩm. Nhóm các cơ sở gây bụi và tiếng ồn tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất vật liệu, than các loại, sản xuất gia công cơ khí, sản xuất gia công hàng may mặc, đặc biệt là các ngành sản xuất mộc, cưa, xẻ gỗ… Nhóm các cơ sở gây mùi hôi khó chịu tập trung chủ yếu các ngành sản xuất sơn, lương thực thực phẩm và chế biến hải sản. Phần lớn các cơ sở này có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thiết bị và biện pháp xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng, nhất là các cơ sở sản xuất có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu nằm xen cài trong KDC hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ gây cháy nổ cũng như tác động xấu đến cộng đồng dân cư. |
Như vậy, nếu mọi việc thuận lợi thì đầu năm 2022 dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, lúc này TP. Vũng Tàu mới tiến hành di dời các cơ sở sản xuất cơ khí, sửa chữa ô tô… vào cụm TTCN Phước Thắng. Riêng đối với 63 cơ sở chế biến hải sản sẽ di dời vào khu chế biến hải sản tập trung TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa thống nhất được vị trí xây dựng khu chế biến hải sản tập trung. Theo lãnh đạo TP. Vũng Tàu, trong thời gian chờ khu chế biến hải sản tập trung xác định vị trí, dự án cụm TTCN Phước Thắng hoàn thành, các ngành chức năng của thành phố tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: QUANG VŨ