Đó là nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác PCCC rừng mùa khô năm 2018-2019, diễn ra sáng 26/11. Theo đó, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, công tác PCCC rừng, nhất là các vụ cháy lớn vẫn còn nhiều lúng túng cần phải khắc phục.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong thời gian qua, công tác PCCC rừng luôn được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Về công tác tuyên truyền, trong năm 2018, hơn 1.900 sổ tay, 7.600 tờ rơi đã được phát cho người dân. Các đơn vị kinh doanh du lịch, hộ dân sống trong rừng cũng đã được vận động ký gần 3.000 bản cam kết thực hiện tốt các quy định bảo vệ rừng. Qua đó, nhận thức của DN, người dân đã được nâng cao. Đối với việc tổ chức lực lượng, cơ quan kiểm lâm đã lên danh sách gần 4.500 người có thể huy động tức thời khi xảy ra cháy rừng. Hàng ngày, 70 tổ tuần tra, kiểm soát, 2 trạm quan trắc bảo đảm tốt công tác cảnh báo cháy rừng.
Từ đầu mùa khô 2019-2020, các cơ quan chức năng, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc phát thực bì, đốt chủ động để giảm khả năng lan rộng của các vụ cháy rừng. Trong ảnh: Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ phát thực bì tại núi Lớn (TP. Vũng Tàu). |
Thống kê cho thấy, mùa khô năm 2018-2019, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng với tổng diện tích cháy là 15,07ha, giảm 8 vụ, tuy nhiên diện tích rừng bị thiệt hại tăng hơn 1,4ha. Đặc biệt, công tác PCCC rừng còn bộc lộ một số hạn chế: Lực lượng đông nhưng không được tổ chức chặt chẽ, điều hành còn lúng túng, phương án chữa cháy trong trường hợp cụ thể chưa sát thực tế… Ông Đoàn Duy Lâm, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn chứng, cuối tháng 4/2019, tại tiểu khu 13, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền đã xảy ra vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 1,4ha rừng. Vụ cháy này cho thấy, công tác ứng phó khi xảy ra cháy rừng, nhất là trên quy mô lớn vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chính khiến đám cháy tại thị trấn Long Hải nhiều lần tái phát là khu vực này còn tồn tại nhiều cây rừng, cây le chết khô. Điểm cháy trên đỉnh núi cao nên các xe chữa cháy không thể tiếp cận trực tiếp, chỉ tiếp nước từ chân núi, sau đó, người tham gia chữa cháy dùng can đựng nước đổ từng gốc cây bị cháy nên hiệu quả chưa cao. Các công trình như đường băng cản lửa, hồ chứa nước còn ít, chưa bảo đảm công tác chữa cháy. “Cùng với đó, công tác chỉ huy chữa cháy rừng tại hiện trường vẫn còn lúng túng, các lực lượng chưa phối hợp nhịp nhàng do không có Ban Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường để phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân. Một số lực lượng được huy động chưa mang theo đủ dụng cụ, thiết bị khiến việc chữa cháy chưa hiệu quả”, ông Đoàn Duy Lâm cho hay.
Trước những bất cập trên, cơ quan chức năng đã lên kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục. Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, đơn vị đã thực hiện gần 200ha đường băng cản lửa tại các khu vực xung yếu. Các phương tiện chữa cháy như máy bơm, bình xịt nước, máy thổi gió… được bảo dưỡng định kỳ. Ngoài ra, với phương châm 4 tại chỗ, “nước xa không cứu được lửa gần”, đơn vị cũng lên phương án huy động nhân dân, lực lượng tại chỗ cùng chống và dập lửa khi xảy ra sự cố cháy rừng.
Để công tác PCCC rừng có hiệu quả cao, từ đầu mùa khô 2019-2020, Chi cục Kiểm lâm đã phân vùng các khu vực có nguy cơ cháy cao. Cụ thể, toàn tỉnh có 4.475ha rừng trọng điểm PCCC rừng. Trong đó, TP.Vũng Tàu gồm 414,7ha, TX. Phú Mỹ 654,3ha, TP. Bà Rịa 166ha, huyện Châu Đức 190,9ha, huyện Long Điền 230ha, huyện Đất Đỏ 250ha, huyện Xuyên Mộc 794ha và huyện Côn Đảo 1.775,1ha. |
Ngoài các lực lượng chuyên nghiệp, các địa phương có rừng cũng thành lập ban chỉ đạo và các đội PCCC rừng từ 10-20 người để kịp thời huy động khi xảy ra cháy lớn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo PCCC rừng cấp tỉnh sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện của các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh để tham gia chữa cháy. Theo đó, lực lượng chữa cháy rừng có thể huy động nhanh lên đến gần 5.000 người. Đặc biệt, nhằm tránh sự lúng túng như trong vụ cháy ở thị trấn Long Hải vừa qua, cơ quan chức năng đã quy định rõ ràng, chỉ huy việc chữa cháy là người có chức vụ cao nhất của Cảnh sát PCCC có mặt tại nơi xảy ra cháy. Về kỹ thuật chữa cháy, đơn vị cũng đã xây dựng quy trình, bao gồm hình thức chữa cháy trực tiếp (huy động các phương tiện từ thủ công đến cơ giới như cuốc, xẻng, máy ủi, máy bơm nước tác động trực tiếp vào đám cháy) để xử lý các vụ cháy trên diện tích nhỏ và chữa cháy gián tiếp (tạo vật chướng ngại ngăn cháy lan, tạo đường băng cản lửa) để áp dụng cho các đám cháy trên diện tích lớn. “Cùng với đó, để việc chữa cháy mang lại hiệu quả cao, các công trình lâm sinh sẽ được tiếp tục thực hiện trong mùa khô 2019-2020. Cụ thể, các chủ rừng, cơ quan chức năng sẽ thực hiện làm hơn 701ha đường băng cản lửa, đốt chủ động gần 220ha diện tích cây khô, cỏ khô có thể làm nguồn cháy; đào các mương chứa nước với diện tích khoảng 2.000m2”, ông Đoàn Duy Lâm, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin thêm.
Bài, ảnh: QUANG VINH