Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Cần loại bỏ nhiều "rào cản"

Thứ Hai, 25/11/2019, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có các chính sách hỗ trợ, vốn, thị trường để thu hút đầu tư vào mô hình này. Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Kết nối nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Australia” do Sở NN-PTNT tổ chức ngày 23/11.

Đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp đến từ  TP. Hồ Chí Mình trưng bày bên lề hội nghị kết nối nông nghiệp hữu cơ Việt Nam -  Australia.
Đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Mình trưng bày bên lề hội nghị kết nối nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Australia.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, giảng viên Trường ĐH Quốc gia Australia - Fenner School of Environment & Society, chi phí sản xuất của 1ha cây trồng hữu cơ, hoặc 1 tấn thịt hữu cơ (heo, gà, bò) cao hơn từ 1,15-1,3 lần, nhưng lại cho doanh thu cao hơn từ 1,5-1,7 lần so với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài việc canh tác theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm nông sản hữu cơ thường gía bán cao hơn từ 1,5-2 lần so với sản phẩm thường, nên sản xuất hữu cơ gặp khó khăn ngay từ đầu vào. Đó là thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, hạ tầng cơ sở… Trong khi đó, “đầu ra” cũng có không ít vấn đề bởi chi phí chứng nhận hữu cơ cao, thời gian làm thủ tục chứng nhận lại kéo dài, thị trường tiêu thụ còn hạn chế.

Nhận định của các chuyên gia tại hội thảo cho thấy, việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua tập trung, nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài. Ngoài ra, chính sách vận động các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ tạo liên kết với nhau, thành mô hình hợp tác xã có phương thức liên kết để bảo đảm thị trường tiêu thụ. Tiến sĩ Phạm Hữu Tài, giảng viên Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, BR-VT có thế mạnh và khả năng để phát triển nên nông nghiệp hữu cơ, trong đó hệ thống cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, ca cao, rau và một số cây ăn quả đặc sản. Tuy nhiên, để phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, vấn đề vướng mắc hiện nay nằm ở quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ, giá cả, chính sách hỗ trợ. “Để phát triển diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ cần phải thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, phát triển từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình tới các mô hình sản xuất theo hướng liên kết bền vững”, tiến sĩ Phạm Hữu Tài cho biết thêm.

Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại huyện Xuyên Mộc.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại huyện Xuyên Mộc.

Theo Sở NN-PTNT, mặc dù trên địa bàn tỉnh đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng diện tích chưa nhiều. Hiện trở ngại đầu tiên khi xây dựng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh chính là thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, các vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận. Bà Phạm Thị Thúy Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức các hội thảo, hội nghị kết nối để các DN, nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận nền nông nghiệp hữu cơ trên thế giới, trong đó có Australia để nắm bắt và dần loại bỏ các rào cản kỹ thuật, kiểm soát chất lượng nông sản khi xuất sang thị trường Australia và các thị trường trong khối CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Thông qua đó, tăng cường quảng bá sản phẩm nông nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các DN để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, giảng viên Trường ĐH Quốc gia Australia - Fenner School of Environment & Society, tại Australia thì Hội Nông nghiệp hữu cơ (OAA) có vai trò quan trọng trong việc kết nối những người làm nông nghiệp hữu cơ. Các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn, ngoài làm rượu, họ còn làm ra nhiều sản phẩm khác. Ở các mô hình nuôi trồng thủy sản, nông dân được hướng dẫn tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng phụ phẩm sản phẩm hữu cơ của ngành này phục vụ đầu vào cho ngành khác. Ví dụ, tận dụng nguồn phế thải của yogurt hữu cơ để làm đầu vào là thức ăn cho hoạt động chăn nuôi. Theo ước tính, tỷ trọng ngành nông nghiệp hữu cơ tại Australia chiếm 2,6 tỷ USD (năm 2018), tốc độ tăng trưởng hàng năm 13%, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được xuất khẩu sang 61 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc.

Thông tin từ Sở NN-PTNT cũng cho biết, tháng 4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn I, từ năm 2020-2022, tỉnh xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng theo hình thức hữu cơ trên một số cây trồng gồm: lúa, hồ tiêu, ca cao, rau các loại, cây ăn quả. Đồng thời sẽ thực hiện 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 3 loại cây trồng với diện tích 1,9ha, sản lượng khoảng 10 tấn/năm. Trên cơ sở đó xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng trên địa bàn tỉnh đối với rau, ca cao, hồ tiêu… Đến giai đoạn II (từ năm 2023-2025), tỉnh sẽ thực hiện 10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 7 loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản với diện tích 52,2ha, sản lượng khoảng 150 tấn/năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ. Đây được kỳ vọng là “cú hích” cho phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.