Tăng trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ rừng
Từ trước đến nay, việc hỗ trợ cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng vẫn còn chưa tương xứng. Tới đây, khi áp dụng thu phí dịch vụ môi trường rừng, một phần kinh phí sẽ được chi trả hỗ trợ cho các hộ nhận giao khoán, quản lý, từ đó, sẽ góp phần tăng trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Cán bộ Kiểm lâm cùng người nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra tại khu vực rừng đặc dụng thuộc xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. |
Sáng sớm, ông Trần Cao Biền (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) đã vào rừng để chăm sóc vườn khoai mì trồng xen canh giữa rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBTTNBCPB). Xong việc, ông chưa vội về mà tiếp tục đi kiểm tra tại khu vực hơn 6ha thuộc khu vực ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Không thấy dấu hiệu bất thường về nguy cơ cháy hoặc rừng bị xâm hại, ông Biền mới yên tâm trở về nhà. Ông Biền cho biết: “Tôi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2002. Từ đó đến nay, ngoài việc vào rừng trồng xen các loại cây được cho phép theo quy định, việc tuần tra, bảo vệ rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy cũng trở thành công việc tôi trường xuyên tham gia”.
Theo ông Nguyễn Minh Đăng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - Khoa học, Ban Quản lý KBTTNBCPB cho biết, những năm qua, các vụ phá rừng, xâm hại rừng và thiệt hại do cháy rừng đã giảm mạnh. Trong đó có phần đóng góp rất lớn từ cộng đồng sống trong và ven rừng, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho các hộ, tổ chức này chưa hợp lý. Ông Đăng giải thích: “Do không có nguồn lực nên việc chi trả tiền hỗ trợ bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, theo quy định của tỉnh chỉ 300 ngàn đồng/ha/năm. Các hộ nhận khoán được trồng xen một số loại cây nông nghiệp trong rừng để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, loại cây trồng, mật độ phải phù hợp với quy định. Trong khi đó, đất rừng thường cằn cỗi, lại không chủ động được nguồn nước nên bà con chủ yếu trồng khoai mì, thu nhập thấp, bấp bênh. Do đó, một số hộ dân cảm thấy khó theo đuổi việc bám rừng để sinh sống”.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn BR-VT. Theo đó, các DN hoạt động trong, ven và ảnh hưởng đến môi trường rừng phải chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Nguồn lực này sẽ được sử dụng để chi trả cho cộng đồng thực hiện công tác bảo vệ rừng thuộc chính khu vực đó. Ông Trần Giang Nam, Phó Trưởng Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Qua khảo sát, một số đơn vị phải chi trả chi phí này là Nhà máy thủy điện Sông Ray (huyện Châu Đức); Một số cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch như: Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Hiện nay, các đơn vị này đã thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng qua Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng (36 đồng/KWh đối với nhà máy thủy điện và 52 đồng đối với các đơn vị cung cấp nước sạch). Ngoài ra, một trong những đối tượng nữa phải đóng phí theo quy định là các DN kinh doanh dịch vụ du lịch. Cụ thể, mức thu tối thiểu đối với các cơ sở kinh doanh du lịch đặt trụ sở kinh doanh trong rừng, sử dụng môi trường rừng để kinh doanh các dịch vụ du lịch tối thiểu là 1% doanh thu trong kỳ. Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch có trụ sở ở bên ngoài khu rừng, nhưng hoạt động kinh doanh các sản phẩm du lịch trong rừng, mức chi trả tối thiểu là 1%/30% tổng doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ. Còn lại, các cơ sở du lịch có trụ sở trong vùng được hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên, không khí trong lành từ thảm thực vật rừng để thu hút khách du lịch, nhưng hoạt động kinh doanh các sản phẩm du lịch trong rừng, mức chi trả tối thiểu 1%/20% tổng doanh thu.
Theo thống kê, hiện có gần 300 DN du lịch thuộc diện phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. “Toàn bộ nguồn thu này sẽ được dùng cho công tác trồng, bảo vệ rừng của các chủ rừng, trong đó, phần lớn để chi trả cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng, giúp họ có thêm thu nhập, vơi bớt khó khăn. Từ quyền lợi này, cộng đồng sống trong, ven rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn, tiếp tục thực hiện tốt công tác trồng và bảo vệ rừng. Dự kiến, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng phải được thực hiện từ ngày 1/1/2020”, Ông Nam thông tin.
Bài, ảnh: QUANG VINH