Quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Theo Cục Hải quan tỉnh, thời gian qua, việc áp dụng nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, giúp DN nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép. |
Ông Trần Như Tùng, đại diện Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sợi, vải dệt, vải đan và các sản phẩm may mặc, công ty thường xuyên làm thủ tục khai báo hải quan tại BR-VT khi nhập nguyên vật liệu cũng như xuất hàng đi các nước. Qua kiểm tra cho thấy, DN thường có các lỗi như: khai sai tên hàng, mã số hàng hóa xuất nhập khẩu; khai sai định mức… Khi phát hiện DN có sai sót, cán bộ hải quan đã giải thích rõ; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho DN giải trình và tự nguyện nộp đủ thuế. “Thực tế cho thấy hoạt động KTSTQ không chỉ quản lý DN mà còn hướng DN tuân thủ pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng”, ông Trần Như Tùng cho biết thêm.
Ngoài việc hướng dẫn DN tuân thủ đúng pháp luật, ngành hải quan cũng cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian thông quan cho DN. Ông Kim Jin Jong, Giám đốc Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) cho biết, việc ngành hải quan rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu chỉ còn 1 ngày (trước đây 2-3 ngày), thời gian trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan với hàng hóa xuất khẩu là 4 giờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.
Tính đến tháng 10/2019, Cục Hải quan tỉnh đã hoàn thành 49 cuộc kiểm tra tại cơ quan hải quan, 33 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, thu nộp ngân sách hơn 13,5 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm. Ông Thái Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ cho biết, các chuyên đề kiểm tra tập trung vào các mặt hàng trọng điểm (chuyên đề kiểm tra các đầu mối kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng, dầu, khoáng sản); các lĩnh vực, mặt hàng có rủi ro cao (thiết bị điện tử, điện lạnh, linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử...). Thông qua KTSTQ, cán bộ hải quan đã cảnh báo các dấu hiệu vi phạm thường phát sinh để xây dựng danh mục rủi ro; thông báo cho bộ phận thông quan dấu hiệu vi phạm mới phát sinh để chủ động ngăn chặn ngay khi DN khai báo hải quan, tránh để hậu quả lâu dài, gây khó khăn trong xử lý cho cả DN và cơ quan hải quan. “Tiêu chí và mong muốn cuối cùng của ngành hải quan là phát hiện thiếu sót và ngăn ngừa hành vi vi phạm để góp phần tạo một môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho cộng đồng DN xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và bảo đảm pháp luật”, ông Thái Hoài Nam khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo Cục Hải quan tỉnh, việc KTSTQ cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số hướng dẫn của Tổng cục Hải quan chưa thống nhất trong việc xử phạt đối với trường hợp phát sinh chênh lệch thừa, thiếu nguyên liệu của DN. Hiện chưa có chế tài bắt buộc đối với trường hợp cơ quan hải quan mời DN đến làm việc nhưng không đến, hoặc khi kiểm tra ấn định thuế mà DN không chấp hành; Quy chế phối hợp với các ngành thuế, ngân hàng về cung cấp thông tin, dữ liệu nhằm phục vụ công tác KTSTQ vẫn chưa đầy đủ khiến cho công tác này của hải quan gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Cục Hải quan tỉnh đã có báo cáo gửi Tổng cục Hải quan xem xét, chỉ đạo thống nhất việc ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính chỉ đối với phần chênh lệch thừa - thiếu. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để thông tin được đầy đủ hơn tới các DN để họ tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh thủ tục thông quan hàng hóa.
Bài, ảnh: AN NHẬT