Toàn cảnh hội nghị đối thoại DN lần thứ 3 do Sở TN-MT tổ chức. |
THỦ TỤC KÉO DÀI
Có mặt tại hội nghị từ đầu giờ, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Châu bức xúc vì ông đã phải ngồi không biết bao nhiêu hội nghị đối thoại DN để kiến nghị vấn đề đất đai của DN. Theo ông Toản, dự án tuyến ống truyền tải nước và Nhà máy nước Tóc Tiên 2 tại xã Châu Pha và xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6-2011 với tổng diện tích hơn 124.996m2, do Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu làm chủ đầu tư. Nhưng gần 8 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa xác định được mức giá đền bù nên công ty chưa thể tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 62.206m2 đất trong dự án. Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của ông Toản, Sở TN-MT lại yêu cầu quay lại về TX. Phú Mỹ để xác định giá. “Gần chục năm đeo bám dự án, tôi mệt mỏi quá rồi. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi đi về về hết phòng TN-MT cấp huyện đến Sở TN-MT, Sở Tài chính… nhưng vẫn không tháo gỡ vướng mắc để bồi thường, GPMB. May là vốn tài chính DN có chứ nếu đi vay ngân hàng thì DN chết lâu rồi”, ông Toản ngán ngẩm.
Trong khi đó, ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất VLXD Bình Minh cho biết: Tháng 10/1993, UBND huyện Long Điền có quyết định tạm giao 2.500m2 đất cho Công ty khai thác mỏ đá xây dựng tại thị trấn Long Hải (huyện Long Điền). Năm 1994, theo quy hoạch, khu đất này không được khai thác khoáng sản nên DN đã được điều chỉnh sang dự án trồng rừng. Năm 2007, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho công ty đầu tư dự án KDL Bình Minh – Long Hải và phê duyệt Quy hoạch 1/5000 trên diện tích đất nói trên. “Hơn 10 năm qua, DN đã nhiều lần mang hồ sơ đến UBND huyện Long Điền, Sở TN-MT để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng các cơ quan chức năng này chỉ trả lời khu đất trên “có nguồn gốc nhà nước, đất thuộc tuyến phòng thủ ven biển chống xâm nhập và vượt biên của địa phương”. Nhưng không đơn vị nào chịu xác minh hiện trạng sử dụng đất khu đất trên từ năm 1993 đến nay, ai đang quản lý và sử dụng như thế nào. Trong khi đó, từ năm 1993 đến nay công ty luôn chấp hành việc đóng thuế, đóng tiền cải tạo đất hàng năm đầy đủ”, ông Tuấn bức xúc.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mặc dù, cơ quan chức năng không cấp giấy chứng nhận sử dụng đất khi tỉnh đã có chủ trương đầu tư dự án, nhưng năm 2016 lại có quyết định thu hồi dự án KDL Bình Minh – Long Hải. Trong khi DN đã sẵn sàng về tài chính, đầu tư máy móc, trang thiết bị nhưng đành phải để ngoài trời hư hỏng vì chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.
Nhiều xe cộ, máy móc của Công ty TNHH xây dựng và sản xuất VLXD Bình Minh đầu tư để thực hiện dự án KDL Bình Minh - Long Hải nhưng không sử dụng đến nên bị hư hỏng vì dự án vướng thủ tục đất đai. |
TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG DN
Tại hội nghị, Sở TN-MT cũng đã ghi nhận hơn 20 ý kiến khác của các DN liên quan đến lĩnh vực đất đai như: yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đối với 100% diện tích các khu nhà ở thương mại; giá đền bù, giá thuê đất, thuê mặt nước; giá đất tăng cao gây khó khăn cho DN; thủ tục chuyển nhượng đất, đấu giá đất… Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ năm 2018, Sở TN-MT đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN trong thủ tục đất đai. Cụ thể, trung bình một quý, Sở TN-MT tổ chức hội nghị gặp mặt DN một lần để lắng nghe ý kiến của DN. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc trong vấn đề đất đai thời gian qua vẫn còn là do nhiều nguyên nhân như: Các dự án đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khiến cho thủ tục đầu tư phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian; chính sách về giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính còn bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư… Ngoài ra, còn có nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhiều thay đổi từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013 hiện chưa được Bộ TN-MT hướng dẫn tháo gỡ.
Từ đầu năm 2019 đến tháng 10/2019, Sở TN-MT đã tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc DN trong năm 2019. Sau các hội nghị đã tháo gỡ vướng mắc đối với 16 kiến nghị của 14 DN. Hiện sở đang xử lý 8 kiến nghị còn lại của 7 DN. Ngoài ra, theo lịch tiếp công dân, DN sở đã tiếp 168 lượt công dân, DN đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại về đất đai, môi trường, khoáng sản.
|
Hiện Sở TN-MT đang tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý đất đai. Trong đó, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, ban hành các văn bản triển khai thi hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, các quy định về đất đai như giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; tổ chức thực hiện tốt công tác xác định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; tham mưu giải quyết khiếu nại liên quan chính sách về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm, qua đó tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho DN khi đầu tư vào BR-VT.
Bài, ảnh: QUANG VŨ