Cải thiện chất lượng xe buýt: Chờ đợi các chính sách khuyến khích mới

Thứ Năm, 21/11/2019, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều bất cập, chất lượng phục vụ hành khách hạn chế. Do đó, hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng đề án khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt.

Xe buýt tuyến Vũng Tàu - Bình Châu (số 4) đón khách trên Quốc lộ 51 đoạn qua TP.Bà Rịa.
Xe buýt tuyến Vũng Tàu - Bình Châu (số 4) đón khách trên Quốc lộ 51 đoạn qua TP.Bà Rịa.

CHƯA THU HÚT ĐẦU TƯ XE MỚI

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 tuyến xe buýt hoạt động với tổng chiều dài hơn 400km, trong đó có 3 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến liên tỉnh, do 8 đơn vị vận tải khai thác với hơn 100 xe buýt các loại, gồm các tuyến: Vũng Tàu - Biên Hòa (số 611), Long Điền - Xuân Lộc (số 606), Vũng Tàu - Phú Túc (số 22), Xuyên Mộc - Dầu Giây (số 15), Bình Châu - Lagi (số 8), Vũng Tàu - Bình Châu (số 4) và Bến xe khách Vũng Tàu - TX. Phú Mỹ (số 6).

Theo Sở GT-VT, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm. Tuy nhiên, mạng lưới tuyến hoạt động chưa phủ khắp địa bàn tỉnh, thiếu các tuyến kết nối giữa các huyện hoặc vùng - điểm thu hút hành khách như các khu đô thị, KCN, trung tâm thương mại và đầu mối giao thông; một số phương tiện hoạt động trên tuyến đã cũ kỹ, xuống cấp; hầu hết xe không sử dụng máy lạnh, kể cả khi thời tiết oi bức... nên chưa thu hút nhiều người dân sử dụng làm phương tiện đi lại, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của DN vận tải.

Nhiều ghế ngồi của xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa bị rách,  bong tróc phần vỏ bọc bên ngoài.
Nhiều ghế ngồi của xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa bị rách, bong tróc phần vỏ bọc bên ngoài.

Chiều 20/11, có mặt trên xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa, chúng tôi ghi nhận thân xe cũ kỹ, ghế ngồi bị rách, bong tróc phần bọc bên ngoài, dây điện đấu nối chằng chịt. Dù đường bằng phẳng, nhưng xe chạy vẫn rung lắc, kêu lộc cộc. Xe không có máy lạnh, một số người còn mang hàng hóa tươi sống gây mùi, thậm chí hút thuốc trên xe, khiến hành khách rất khó chịu. Trước đó, chúng tôi đã đi thực tế trên một số tuyến xe buýt khác nhận thấy tình trạng cũng diễn ra tương tự. Đáng chú ý, nhiều tài xế do muốn tiết kiệm thời gian, nên không cho xe vào lề đón khách mà dừng luôn ở giữa đường, hành khách phải băng qua dòng xe máy để lên xe.

Thường xuyên đi xe buýt từ TP.Vũng Tàu đến huyện Châu Đức và ngược lại, chị Nguyễn Thị Hòa (183, Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến tài xế xe buýt tay cầm vô lăng, tay còn lại liên tục nhắn tin hay gọi điện thoại, nói chuyện liên tục và rất lâu. Nhiều lúc đèn tín hiệu giao thông chưa chuyển qua đèn xanh, tài xế đã cho xe vượt lên. Khi thì phóng nhanh, lúc lại bất thình lình tấp xe vào lề đường mà không hề bật đèn báo hiệu, khiến phương tiện lưu thông phía sau rất vất vả để né tránh!”. Không chỉ hành khách, người tham gia giao thông than phiền, giới tài xế cũng bị áp lực khi điều khiển những chiếc xe buýt xuống cấp. Có thâm niên lái xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa gần 10 năm nay, anh Nguyễn Văn S. chia sẻ: “Cầm lái một chiếc xe buýt đã xuống cấp rất áp lực vì không biết sẽ xảy ra sự cố lúc nào. Việc xe hư hỏng nằm đường là nỗi ám ảnh đối với chúng tôi”.

Xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa (số 611) lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Xe buýt tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa (số 611) lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải TP.Bà Rịa cho biết, HTX hiện đang khai thác 3 tuyến xe buýt (số 606, 611 và 22). Sau nhiều năm hoạt động, hầu hết các phương tiện đã xuống cấp. HTX cũng muốn đầu tư xe mới, tuy nhiên xe buýt mới có giá khoảng 1,3 tỷ đồng/xe, nếu đầu tư dễ dẫn đến thua lỗ. “Do vậy, tỉnh nên quan tâm xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư phương tiện đưa vào hoạt động VTHKCC”, ông Vũ Thanh Hùng kiến nghị.

Theo ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GT-VT, mô hình tổ chức quản lý hoạt động xe buýt hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác trợ giá gặp khó khăn do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các DN vận tải, làm hạn chế tính hấp dẫn của việc xã hội hóa hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.

HỖ TRỢ GIÁ VÉ, ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN

Trong cuộc họp tại UBND tỉnh ngày 14/11 thảo luận về phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Theo đó, các tỉnh trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện; trợ giá, hoặc hỗ trợ chi phí cho DN vận tải; miễn, giảm giá vé cho người sử dụng dịch vụ xe buýt; hoàn thiện mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Trên cơ sở này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GT-VT đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn là Trung tâm nghiên cứu phát triển GT-VT (thuộc Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT, Bộ GT-VT) lập 2 đề án: “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT” và “Xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT”.

ÔNG LÊ TUẤN QUỐC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Triển khai thí điểm 2 tuyến xe buýt mới

Giao Sở GT-VT chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh 2 đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT” và “Xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT” để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét. Trong đó, cần nghiên cứu cơ chế trợ giá cho DN cung ứng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Đối với cơ chế hỗ trợ người sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, đơn vị tư vấn xem xét tập trung vào nhóm đối tượng được ưu tiên miễn, giảm giá vé như: trẻ em dưới 6 tuổi, người già, người khuyết tật, HS-SV… Trước mắt, triển khai thí điểm tại 2 tuyến xe buýt Bến xe Vũng Tàu - Bến xe Bà Rịa và tuyến Vũng Tàu - Phú Mỹ. Đồng thời, giao cho Công ty DV Bến xe BR-VT điều hành, quản lý công tác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Sau khi mô hình quản lý đi vào hoạt động ổn định, Sở GT-VT tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm quản lý điều hành VTHKCC bằng xe buýt.

Theo ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển GT-VT, việc triển khai 2 đề án này nhằm xây dựng hệ thống định mức, đơn giá để làm căn cứ trợ giá cho hoạt động xe buýt thông qua các hình thức như đấu thầu, đặt hàng; xây dựng hệ thống vé đơn giản (vé lượt), linh hoạt (vé tháng) phù hợp với điều kiện người sử dụng; ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ và trợ giá cho hoạt động vận tải này. Qua đó, phát triển hệ thống VTHKCC bằng phương tiện xe buýt phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hướng đến cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ hành khách. Phấn đấu đến hết năm 2020, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đáp ứng tối thiểu từ 7-10% và giai đoạn năm 2021-2030 đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại của người dân theo Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 22/1/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.