.

Xử lý chưa "đủ đô" với hành vi xâm hại rừng

Cập nhật: 20:40, 07/10/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng và xây dựng trái phép trong đất lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp; các vụ vi phạm đã phát hiện trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại rừng.

Lực lượng Ban quản lý Khu BTTN BC-PB tuần tra, bảo vệ rừng.
Lực lượng Ban quản lý Khu BTTN BC-PB tuần tra, bảo vệ rừng.

 XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, TRỒNG CÂY TRÁI PHÉP

Toàn tỉnh hiện có hơn 33.600ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng chiếm gần 27.000 ha. Theo Sở NN-PTNT, các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 133 vụ, giảm 59 vụ so với năm 2016. Năm 2018, xảy ra 111 vụ vi phạm, giảm 22 vụ so với năm 2017. Từ đầu năm đến nay, xảy ra 58 vụ, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 30 vụ.

Tuy các vụ vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng có chiều hướng giảm theo từng năm, nhưng việc xâm phạm lâm phần để xây dựng, trồng cây trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại 2 “điểm nóng” là huyện Xuyên Mộc và TX.Phú Mỹ.

Đơn cử như, ngày 27/5/2019, khi phát hiện ông Đỗ Văn Tài xây nền nhà và đặt 20 trụ bê tông làm chân cột,  xây dựng nhà gỗ tại khoảnh 5, tiểu khu 23, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (BTTN BC-PB), nhưng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách không xử lý ngay. Do ông Tài có thái độ không hợp tác, hăm dọa. Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc và UBND xã Bình Châu vận động ông Tài tháo dỡ công trình, đồng thời xin ý kiến UBND huyện Xuyên Mộc.

Nhưng trong thời gian chờ ý kiến của cấp trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn mà để ông Tài xây dựng xong căn nhà. Sau đó, UBND xã Bình Châu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và yêu cầu ông Tài trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay, ông Tài không thực hiện mà còn tiếp tục cơi nới thêm các công trình phụ khác.

Một vụ khác, ngày 16/4/2019, Hạt Kiểm lâm huyện Xuyên Mộc phát hiện ông Trần Văn Hiền dựng 500 trụ bê tông cao 1,6m, rộng 10cm, tại khoảnh 5, tiểu khu 23, Khu BTTN BC-PB nên đã lập biên bản. Sau đó, Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc có văn bản gửi Ban quản lý Khu BTTN BC-PB xử lý, nhưng hiện công trình vẫn tồn tại.

Bên cạnh đó, các vụ việc trồng cây sai mục đích trong lâm phần cũng còn phổ biến. Điển hình như, vụ ông Hà Xuân Trường trông coi rừng cho hộ ông Võ Hoàng Hiệp nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, nhưng ông Trường đã trồng trái phép cây đinh lăng và chuối trên diện tích 1.300m2 tại khoảnh 7, tiểu khu 22, Khu BTTN BC-PB. Hay trường hợp của ông Phạm Xuân Ngôn đã trồng trái phép nhãn trên diện tích 9.700m2, tại khoảng 3, tiểu khu 22, Khu BTTN BC-PB.

Một trường hợp sử dụng máy múc đào bới trái phép trong khu vực rừng ngập mặn tại xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ. Ảnh: PHƯỚC AN
Một trường hợp sử dụng máy múc đào bới trái phép trong khu vực rừng ngập mặn tại xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ. Ảnh: PHƯỚC AN

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Theo Sở NN-PTNT, tình trạng xâm phạm lâm phần để xây dựng công trình, trồng cây trái phép, phá hoại rừng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số địa phương, cơ quan, cán bộ cho rằng Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND tỉnh “Về việc, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh” không phải văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc tháo dỡ công trình xây dựng trái pháp luật, loại bỏ cây trồng sai mục đích trong lâm phần phải được thực hiện qua các bước lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính rồi mới ra quyết định cưỡng chế, khiến thời gian xử lý kéo dài.

Mặt khác, chủ rừng chưa chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phần được giao, chưa chủ động tổ chức lực lượng phối hợp tháo dỡ ngay công trình xây dựng trái pháp luật, loại bỏ ngay cây trồng sai mục đích; Việc xử lý hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý rừng chưa nghiêm; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong xử lý hành vi vi phạm; Một số công trình xây dựng trong lâm phần liên quan đến cơ sở tôn giáo, nên các cơ quan chức năng còn e ngại trong việc xử lý, tháo dỡ; Các đối tượng có hành vi xâm hại rừng hoạt động tinh vi, lén lút để lẩn tránh kiểm tra của lực lượng chức năng…

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa được điều tra, xác minh để xác định đối tượng vi phạm và xử lý, nên không răn đe các đối tượng khác. Đơn cử như năm 2017, xảy ra vụ hủy hoại 0,67ha rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 24, Khu BTTN BC-PB; 3 vụ phá rừng tại khoảnh 7, rừng phòng hộ Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc; 1 vụ hủy hoại rừng ngập mặn tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu; hủy hoại 17 cây dầu rừng phòng hộ rừng Xuân Sơn, huyện Châu Đức. Năm 2018, xảy ra vụ phá 1,03ha rừng phòng hộ tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ. Nhưng đến nay, cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm để xử lý.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho biết, hiện nay, việc xử lý, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong lâm phần được giao quản lý còn gặp nhiều khó khăn, như: Tại một số địa phương, chính quyền và chủ rừng còn chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, ranh giới giữa đất rừng phòng hộ và đất của tổ chức, cá nhân có sự chồng lấn tại thực địa, nên quá trình xử lý vi phạm còn nhiều vướng mắc. Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, nhưng lại giao khoán lại cho các tổ chức, cá nhân khác, trong khi đó những người được giao rừng lại không trực tiếp bảo vệ, trông coi rừng.

Lực lượng Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc xử lý vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Xuyên Mộc.
Lực lượng Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc xử lý vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Xuyên Mộc.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Trước diễn biến trên, thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 24-CTr-TU ngày 14/5/2018 “Về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh”, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố, thị xã và các sở ngành, cơ quan cần quan tâm hơn nữa trong công tác quán triệt, chỉ đạo, huy động lực lượng đủ mạnh để phối hợp tuần tra, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại rừng.

ÔNG TRẦN VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT
Sớm xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm đã lập hồ sơ 
Các Ban quản lý rừng khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, cây trồng sai mục đích trong lâm phần được giao quản lý, phải kịp thời triển khai phối hợp xử lý ngay từ đầu, hoặc có kế hoạch phối hợp với các lực lượng đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đề nghị UBND các huyện, thành phố và thị xã cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiệp vụ xử lý dứt điểm các vụ việc đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, phá bỏ công trình xây dựng vi phạm, trồng cây trái phép trong lâm phận. 

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế-Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng chức năng đang tập trung thực hiện chỉ tiêu, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, tăng cường công tác phối hợp, sử dụng các thiết bị camera, flycam để theo dõi, quản lý, bảo vệ rừng từ xa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; tiếp tục đẩy mạnh công tác mạng lưới cộng tác viên trong công tác bảo vệ rừng. “Lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ và tham mưu chính quyền địa phương các cấp nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; phát hiện ngăn chặn và phối hợp xử lý kiên quyết ngay từ đầu đối với công trình xây dựng, trồng cây trái phép trong lâm phận”, ông Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

.
.
.