Hiện nay, các hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh… Bảo vệ môi trường và an toàn cho các hồ cấp nước sinh hoạt là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà tỉnh BR-VT ưu tiên thực hiện.
Các em học sinh trong giờ học ngoại khóa về bảo vệ nguồn nước do BWACO tổ chức. |
NHIỀU NGUY CƠ ĐE DỌA MÔI TRƯỜNG HỒ CHỨA NƯỚC
Hồ chứa nước Xuyên Mộc nằm ngay trung tâm thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) dung tích 4,5 triệu m3, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu theo thiết kế 350ha cho huyện Xuyên Mộc và cấp nước sinh hoạt 4.000m3/ngày cho người dân. Xung quanh lòng hồ có rất nhiều các loại chai lọ, túi ni – lông, hộp xốp… do người dân “tiện tay” thải xuống. Ngay dưới tấm bảng “Xin đừng vứt rác, xác gia súc, gia cầm, xả nước thải chưa qua xử lý xuống hồ, hãy bảo vệ nguồn nước” cũng có nhiều loại rác thải. Cuối tuần, nhân viên Công ty CP Cấp nước BR-VT, Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc phải lội xuống lòng hồ, dùng sào và sọt để vớt rác lên nhưng làm tuần trước thì tuần sau rác vẫn cứ nổi nhiều trên mặt nước.
Ông Dương Đình Châu, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc cho hay, hàng tuần chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc đều tổ chức các tổ từ 5-7 người thu gom rác thải, vệ sinh và dọn dẹp xung quanh lòng hồ. Trung bình, mỗi tuần chi nhánh thu gom được 7-15 bao rác, đưa về các điểm tập kết rác để thu gom và xử lý. Ngoài ra, chi nhánh cũng phối hợp với huyện Xuyên Mộc và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước cho người dân.
Toàn cảnh hồ chứa nước sông Ray chụp từ địa phận huyện Xuyên Mộc. |
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thời gian qua, nhiều hộ dân sống gần các hồ chứa nước và các DN sản xuất có nguồn thải chưa có ý thức cao về việc bảo vệ môi trường như: Sử dụng quá liều và mất kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn đến nguy cơ dư lượng thuốc BVTV ngấm vào các tầng đất thẩm thấu vào các hồ chứa nước; chăn nuôi xả thải ra môi trường có khả năng chảy vào các hồ chứa nước; tình trạng vứt rác, túi ni – lông bừa bãi ở các hồ chứa nước; tình trạng khai thác cát trái phép, sai quy định; lợi dụng nạo vét lòng hồ để tận thu khoáng sản… Đó là những nguy cơ dẫn đến tình trạng ô nhiễm các hồ chứa nước, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và mất an toàn.
Báo cáo của UBND huyện Châu Đức cho thấy, khu vực hồ Đá Đen thống kê năm 2017, có 42 hộ chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đá Đen. Đối với hồ Sông Ray, huyện Châu Đức và Xuyên Mộc đã thống kê có 13 cơ sở, hộ chăn nuôi heo nằm thượng nguồn hồ chứa nước này.
BẢO VỆ CÁC HỒ CHỨA NƯỚC, NHIỆM VỤ CẤP BÁCH
Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 316,28 triệu m3, trong đó có 12 hồ cấp nước sinh hoạt. Để tăng cường bảo vệ các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh...
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở TN-MT đã lắp đặt, vận hành 6 trạm quan trắc môi trường tự động tại các hồ cấp nước Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Châu Pha, An Hải và suối Sông Xoài chảy về hồ Đá Đen để giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, hoạt động quan trắc, theo dõi định kỳ chất lượng nước các hồ cấp nước được Sở TN-MT thực hiện thường xuyên, với tần suất 1 tháng/lần. Kết quả quan trắc, theo dõi của các đơn vị (Công ty CP cấp nước BR-VT, Sở Y tế, Sở TN-MT) ghi nhận nguồn nước các hồ cấp nước cơ bản đáp ứng quy chuẩn cho phép về cấp nước sinh hoạt. |
Cụ thể, trong năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về công bố danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Theo đó, có 23 ngành nghề thuộc các dự án không thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 5 dự án thuộc nhóm hạn chế đầu tư, trong đó nước thải phát sinh phải xử lý đạt loại A theo quy chuẩn chất lượng nước thải hiện hành và dẫn xả nước thải vào hạ nguồn các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hoặc tái sử dụng nước cho hoạt động của đơn vị.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho các tuyến dẫn nước về hồ cấp nước sinh hoạt của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở NN-PTNT di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, nằm trong khu dân cư. Song song đó, Sở TN-MT tỉnh BR-VT đã ký kết và triển khai quy chế phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thực hiện các giải pháp giám sát, phòng ngừa ô nhiễm vùng giáp ranh và Khu xử lý chất thải Thiên Phước (thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nằm ở thượng nguồn hồ Đá Đen. Đến nay, nguy cơ ô nhiễm từ Khu xử lý chất thải Thiên Phước cơ bản được kiểm soát.
Bài, ảnh: QUANG VŨ