Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của BR-VT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 14/45 xã chưa đạt tiêu chí này.
Hầu hết các hộ gia đình tại xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) đều làm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống nên thu nhập chưa cao. Trong ảnh: Anh Đỗ Minh Tuấn (tổ 3, ấp 1, xã Hòa Hưng) chăm sóc vườn tiêu. |
Trong số 14 xã chưa đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM, huyện Xuyên Mộc chiếm số lượng lớn (6 xã chưa đạt). Xã Tân Lâm là một trong những địa phương của huyện Xuyên Mộc xây dựng NTM trong giai đoạn 2018-2020. Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện 90% người dân của xã sống bằng nghề nông nhưng đất canh tác ít màu mỡ, giá cả nông sản bấp bênh. Do đó, để nâng cao thu nhập cho người dân là hết sức khó khăn. “Thu nhập bình quân đầu người của xã rất thấp, khoảng 30 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 2/3 so với quy định để được công nhận tiêu chí NTM”, ông Phạm Ngọc Tùng cho biết thêm.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng cây sầu riêng cho thu hoạch trái vụ giúp nhiều nhà vườn ở xã NTM Long Phước (TP. Bà Rịa) nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Vườn sầu riêng của gia đình ông Văn Danh (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cho năng suất cao, chất lượng trái tốt hơn nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. |
Xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) đang bước vào giai đoạn nước rút nhằm đạt mục tiêu được công nhận xã NTM vào cuối năm 2019. Đã bước sang tháng 10/2019 nhưng xã Hòa Hưng vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt. Ông Bùi Sĩ Ươm, Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng cho biết, khó khăn nhất hiện nay là tiêu chí số 10 về thu nhập. Bởi đa số người dân trên địa bàn xã đều làm nông. Những năm gần đây, một số cây trồng chủ lực của xã như tiêu, điều rớt giá. Hoạt động chăn nuôi, dịch bệnh (tả heo châu Phi, cúm gà) xảy ra liên tục nên đa số hộ chăn nuôi bị lỗ nặng. Nhiều hộ dân đã phải treo chuồng trại. Do đó, thu nhập bình quân của người dân 9 tháng năm 2019 giảm 15-25% so với cùng kỳ năm 2018”.
Tiêu chí thu nhập không chỉ là vấn đề khó khăn đối với các xã trong quá trình xây dựng NTM, mà còn là thách thức lớn với các xã đã được công nhận NTM ở giai đoạn trước. Là 1 trong 6 xã điểm của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2014, xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) đã có những thay đổi tích cực. Hiện tiêu chí thu nhập của xã vẫn được duy trì với bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Hiện Long Tân đang duy trì và phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, tuy nhiên, theo quy định mới của Chính phủ, trung bình thu nhập của người dân tại các xã NTM nâng cao phải đạt 59 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Hầu hết người dân trong xã đều làm nông nghiệp, trong khi việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa đồng bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa chưa nhiều nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn chưa cao… Do đó, để đạt được tiêu chí thu nhập 59 triệu đồng/người/năm là không hề đơn giản”, ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quý, Chuyên viên Văn phòng điều phối xây dựng NTM (Sở NN-PTNT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 27/45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM hiện nay khoảng 50 triệu đồng/người/năm, tăng 3,45 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, theo quy định mới chỉ tiêu chung về mức thu nhập của người dân ở xã NTM (tiêu chí số 10) là 54 triệu đồng/người/năm. “Giữ vững tiêu chí NTM là nỗi lo chung của các địa phương bởi thời gian qua ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, cây trồng rớt giá, do vậy, nhiều xã mức thu nhập bình quân không những không tăng mà còn bị kéo giảm”, ông Quý cho biết.
BR-VT phấn đấu đến cuối năm 2019 có 7 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn lên 34 xã, đạt 75,5%; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí cho 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người tại các xã NTM ở mức 54 triệu đồng/người/năm. Để đạt mục tiêu này, theo đề xuất của các địa phương, tỉnh cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nông nghiệp của người dân; triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các đề án sản xuất hiệu quả. Đồng thời, tăng cường mở rộng việc liên kết giữa DN và bà con nông dân để hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng khoa học - kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bao tiêu đầu ra...
Bài, ảnh: QUANG VŨ