Ngày 31/10, UBND TP. Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) dự án khu Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Từ đó, rút kinh nghiệm trong công tác BTGPMB cho các dự án trên địa bàn TP. Vũng Tàu.
Từ số tiền đền bù, gia đình ông Võ Văn Thử (tổ 11, thôn 1, xã Long Sơn) mở rộng xưởng mộc của gia đình và mở thêm được cửa hàng kinh doanh đồ gỗ. |
Dự án Khu Tổ hợp Hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư với diện tích thu hồi hơn 657ha đất (bao gồm phần diện tích 193ha đất thuộc Cảng biển và 66ha đất thuộc Cảng chuyên dùng của Khu Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam) thuộc địa bàn thôn 2 và thôn 3 Rạch Già (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ và ảnh hưởng đến hơn 400 hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án. Ông Hồ Sỹ Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Vũng Tàu cho biết, sau khi hoàn thành các công tác kiểm kê, xét duyệt hồ sơ pháp lý, năm 2009, UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành các quyết định thu hồi đất cũng như phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với từng hộ dân có đất bị thu hồi dự án khu tổ hợp hóa dầu miền Nam. Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt đã được các cơ quan chuyên môn rà soát, lập, thẩm định và kiểm tra qua nhiều công đoạn khác nhau. UBND tỉnh, UBND TP. Vũng Tàu đã xây dựng khu tái định cư Long Sơn để bố trí giao đất cho các hộ dân ổn định cuộc sống. Đối với từng trường hợp cụ thể, UBND TP. Vũng Tàu xem xét bố trí giao thêm lô đất tái định cư, đất ở mới để các hộ gia đình có đông con, nhiều thế hệ đảm bảo được chỗ ở, ổn định cuộc sống.
Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Vũng Tàu cũng cho biết, dự án khu tổ hợp hóa dầu miền Nam có diện tích đất thu hồi lớn (657ha), nhiều loại đất, mặt bằng của dự án có địa hình phức tạp... Do đó, việc kiểm kê đất phải thực hiện trên diện rộng, di chuyển khó khăn qua đồi, núi đá, sông ngòi cũng như vướng mắc khi xét duyệt về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và hồ sơ pháp lý không đầy đủ, rõ ràng của từng hộ dân. Những khó khăn nêu trên gây ảnh hưởng không ít đến tiến độ thực hiện các công đoạn trong công tác BTGPMB của dự án. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND TP. Vũng Tàu cũng như sự tập trung, cố gắng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, từng công đoạn của công tác BTGPMB đã được hoàn thành.
Đến nay công tác BTGPMB đã hoàn thành 100% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, thực hiện đạt 26,4% dự án và dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Vũng Tàu cũng đã thực hiện chi trả bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị đầy đủ, an toàn, hiệu quả đúng quy định, không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện với tổng kinh phí bồi thường hơn 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (chủ đầu tư dự án) đã cùng chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế qua 10 năm thực hiện công tác BTGPMB của dự án khu tổ hợp hóa dầu miền Nam như: Giá phê duyệt BTGPMB không phù hợp do quá trình điều chỉnh dự án kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án; trong quá trình triển khai thực hiện dự án, việc áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân chưa kịp thời, đồng bộ... Ông Lê Mạnh Dương, cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Vũng Tàu cho biết, về mặt nguyên tắc, trước khi triển khai thực hiện dự án, Nhà nước phải tạo lập quỹ đất tái định cư đầy đủ để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện di dời. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án đến nay, quỹ đất tái định cư tại xã Long Sơn chưa đầy đủ nên hiện nay, một số trường hợp đã được UBND thành phố xem xét, chấp thuận việc giao đất bổ sung nhưng chưa có đất tại thực địa để giao cho các hộ dân.
Theo ông Lê Xuân Tú, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân có đất bị thu hồi, để công tác BTGPMB thuận lợi thì ngay từ ban đầu việc kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất cần phải làm kỹ thì mới tránh được khiếu nại, khiếu kiện, không kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho rằng, kinh nghiệm từ dự án trọng điểm Quốc gia khu tổ hợp hóa dầu miền Nam sẽ là bài học để việc thực hiện BTGPMB ở tất cả các dự án ngày càng được hoàn thiện, chuyên nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm thiểu sự thiệt thòi đối với người dân có đất bị thu hồi và tạo sự đồng thuận cao từ người dân. Đối với từng cơ quan, ban ngành cần bố trí các cán bộ có trách nhiệm, có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và có tâm huyết thực hiện công tác BTGPMB. Ngoài ra, việc đối thoại, tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước sẽ là “chìa khóa” thành công trong công tác BTGPMB không chỉ riêng đối với dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam mà còn là bài học trong triển khai các dự án khác trên địa bàn TP. Vũng Tàu.
Bài, ảnh: QUANG VŨ