Sông Ray - những điều kỳ thú - Kỳ 1: Đẹp sao hồ, thác trên dòng sông Ray!

Thứ Năm, 10/10/2019, 19:58 [GMT+7]
In bài này
.
Sông Ray từ tỉnh Đồng Nai chảy vào địa phận BR-VT tại xã Tân Lâm, rồi kéo dài đến cửa biển Phước Thuận - Lộc An. Dọc theo dòng chảy, sông Ray là ranh giới tự nhiên giữa huyện Xuyên Mộc với huyện Châu Đức và huyện Đất Đỏ. Những nơi dòng sông chảy qua, đều để lại những điều kỳ thú.
Một góc công trình hồ chứa nước sông Ray.
Một góc công trình hồ chứa nước sông Ray.

Do thượng nguồn có độ dốc cao, dòng chảy sông Ray vào địa phận BR-VT đã tạo ra một thác nước tự nhiên thơ mộng, cùng với đó, bàn tay con người cũng xây dựng nên một hồ chứa nước hữu ích có cùng chung tên gọi sông Ray.

THÁC SÔNG RAY BẢY NGỌN

Rời đường trục chính Ngãi Giao - Hòa Bình nằm trên địa bàn huyện Châu Đức, chúng tôi đi theo con đường rộng rãi, quanh co dẫn vào thác sông Ray. Con thác này nằm giữa địa phận xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) với xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) nên còn được gọi là thác Xuân Sơn hay thác Hòa Bình.

Gần đến thác, đã nghe tiếng nước đổ ào ào. Đến nơi, chúng tôi nhìn thấy một khung cảnh rất thơ mộng, hữu tình. Dòng nước trắng xóa từ độ cao đổ xuống, chảy len lỏi qua các ghềnh đá lớn, các lùm cây rừng gần thác rồi xuôi dòng về phía hạ lưu. Có thể nói, thác sông Ray được xem như tác phẩm kiến trúc đẹp đẽ của thiên nhiên, với chất liệu chính là nước và ghềnh đá với cây rừng giữa dòng và ven sông. Người dân cư ngụ gần thác cho biết, trước đây, khu vực này hoang sơ, chỉ có dân tộc Châu Ro sống ở đây lâu đời, họ mô tả hình dạng thác là “Sông Ray bảy ngọn, vực thẳm đầu con voi”.

Bà Nguyễn Thị Nhãn (84 tuổi, ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) chia sẻ, quê bà ở Hải Dương, bà theo gia đình di dân vào Nam rồi đến xã Hòa Bình từ mấy mươi năm trước. Khi đó, khu vực thác Hòa Bình còn rất hoang sơ, hai bên đều là rừng rậm, ít thấy bóng người. Gia đình bà dựng căn nhà lá, khai hoang làm rẫy vùng đất gần thác. Hàng ngày, dọn cỏ, chăm sóc hoa màu trồng trên nương rẫy, rồi xuống thác mò cua, bắt ốc, câu cá lo cho bữa ăn gia đình. Lúc đó, đường đi vào thác phải xuyên rừng hiểm trở, khó khăn, nên ít người đến. “Khoảng 10 năm gần đây, Nhà nước đã làm đường lớn trải nhựa, nên vào các dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, nhiều đoàn khách tới tham quan thác tấp nập, xe để chật kín cả một bãi lớn gần hai mẫu của nhà tôi”, bà Nhãn cho hay.

Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, trăn trở: “Mỗi dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, khách du lịch đến thác Hòa Bình ngắm cảnh, chụp ảnh, quay video ghi hình, cắm trại nghỉ dưỡng, tổ chức sinh hoạt rất đông. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn chỉ là điểm du lịch tự phát của người dân, chưa có sự đầu tư bài bản để phát triển thành địa chỉ du lịch cho địa phương”.

MÁT LÀNH HỒ SÔNG RAY

Hiện nay, những vùng đất dọc theo dòng sông Ray đã khoác lên mình màu xanh tươi trù phú của vườn cây xum xuê trái ngọt, vườn tiêu, cao su... Đây là kết quả của sự chịu thương, chịu khó chăm sóc của người nông dân, cùng với hiệu quả mang lại từ công trình hồ chứa nước sông Ray.

Chỉ tay về phía mương được xây dựng kiên cố dẫn nước từ hồ sông Ray về ngang qua vườn nhà, ông Lê Hòa (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) vui vẻ, nói: “Hồi trước, muốn trồng cây gì cũng ngại do thiếu nước tưới. Mấy năm gần đây có mương dẫn nước về ổn định, tôi mạnh dạn trồng thêm 2 sào tiêu, mỗi vụ cho thu hoạch hơn 1 tấn”.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, hồ chứa nước sông Ray được khởi công tháng 12/2005 và hoàn thành tháng 12/2012. Công trình có tổng diện tích hơn 2.532ha nằm trên địa bàn các xã Hòa Hưng, Bàu Lâm, Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc); xã Sơn Bình (huyện Châu Đức); xã Lâm San, TT.Sông Ray (tỉnh Đồng Nai). Với dung tích 215 triệu m3 nước, hồ sông Ray có trữ lượng nước dồi dào, ổn định, cung cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng ở các KCN, nước sinh hoạt cho dân cư các huyện Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu, cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Long Điền và Xuyên Mộc.

Chúng tôi đến hồ sông Ray vào thời điểm trời trưa đứng nắng, nhưng vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ từ hồ nước sông Ray phả lên, lan tỏa quanh khu vực. Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư huyện Xuyên Mộc cho biết: Ngày 26/3/2019, HĐND tỉnh đã phê quyệt chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng ven bờ hồ chứa nước sông Ray với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Dự kiến, quý I/2020 sẽ khởi công dự án. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hồ, chống lấn chiếm lòng hồ, tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sẽ hình thành tuyến đường tuần tra bảo vệ lòng hồ, bảo đảm chất lượng nguồn nước mát lành của hồ sông Ray cung cấp cho đời.  

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG - NGỌC BÍCH

(Xem tiếp kỳ sau)

 

 

;
.