Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới: Nông thôn khởi sắc, khang trang hiện đại hơn
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại BR-VT, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được nâng cấp, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, nhiều nét đẹp về văn hóa - xã hội được phát huy.
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao đã được áp dụng, nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Trong ảnh: Mô hình nuôi chim cút sạch tại trang trại của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (xã Tam Phước, huyện Long Điền) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. |
THU NHẬP TĂNG CAO
Trong chương trình NTM, xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương là 2 tiêu chí quan trọng được tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi được tỉnh quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển.
Cuối tháng 3/2019, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,78%. Để đạt được tiêu chí thu nhập, UBND xã xây dựng nhiều mô hình NTM ứng dụng công nghệ cao như: Trồng nhãn xuồng cơm vàng, nuôi tôm thâm canh áp dụng mô hình công nghệ cao, chế biến thủy hải sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá chẽm… Ông Ngô Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, trước đây khi chưa thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân trên địa bàn xã còn thấp, các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ khi triển khai xây dựng NTM, nhờ sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, các chính sách đầu tư xây dựng các dự án nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai thuận lợi. Chẳng hạn, sau khi 20 hộ dân chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng trên hơn 30ha và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, đời sống của người dân đã ổn định hơn, với mức thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm 24ha/5 hộ, đến nay năng suất trung bình đạt 40-50 tấn/ha, lợi nhuận thu được 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ... Nhờ tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của nhân dân, đến nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại BR-VT, nông nghiệp được cơ giới hóa thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ. Ảnh: KIM HỒNG |
Tháng 5/2019, TP. Bà Rịa đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây được xem là địa phương đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu NTM của tỉnh với nhiều kết quả tích cực. Là 1 trong 3 xã xây dựng NTM của TP. Bà Rịa, xã Tân Hưng khởi đầu xây dựng NTM với chỉ 9 tiêu chí đạt. Các tiêu chí chưa đạt lại khá quan trọng như thu nhập của người dân, đường giao thông… Do đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tân Hưng xác định thế mạnh là phát triển nghề trồng trọt nên tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ thành lập HTX Tân Hưng để liên kết sản xuất rau theo hướng VietGAP... Nhờ các biện pháp trên, chỉ trong vòng 4 năm, xã Tân Hưng đã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 49,57 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, tại xã Hòa Long, Long Phước, việc xây dựng NTM cũng gắn với thế mạnh của từng địa phương. Ông Trần Tấn Khoa, cán bộ phụ trách xây dựng NTM của xã Hòa Long cho biết: Theo quy hoạch của thành phố, xã Hòa Long chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Xã đã tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ. Đặc biệt, địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát triển thương hiệu các nghề truyền thống như nấu rượu, bánh tráng, bún... kết hợp với du lịch. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh, đến năm 2018 đã đạt gần 54 triệu đồng/người/năm.
HẠ TẦNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ KHANG TRANG
Một trong những điểm nổi bật của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Ngoài ra, hệ thống công trình trung tâm các xã được quy hoạch đồng bộ, kết cấu hạ tầng của các xã như trung tâm trụ sở, trường học, chợ, trung tâm y tế… chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu làm việc, sinh hoạt, giải trí của bà con nông dân tại địa phương. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Với người dân nông thôn, nhu cầu hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng là một điều cần thiết, nắm bắt được nhu cầu đó, bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn thì việc đầu tư sửa chữa, cải tạo các công trình hệ thống thuận lợi cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 44 công trình thủy lợi, bao gồm 27 hồ chứa nước lớn nhỏ, 9 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn, 1 đê ngăn lũ, 4 kè biển và 2 trạm bơm. Trong những năm qua, các xã xây dựng NTM đã thực hiện đầu tư thêm gần 80km kênh mương thủy lợi, xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình đập nước và hồ chứa cho các xã có nhu cầu cấp thiết nhằm phục vụ tưới tiêu sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư hơn 218 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 90,6% kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, tăng 51,2% so với trước khi xây dựng NTM.
Cùng với giao thông, thủy lợi, hạ tầng điện tại các khu vực nông thôn được chương trình NTM chú trọng đầu tư. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay hệ thống lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên các địa bàn xã xây dựng NTM. Tỷ lệ số hộ sử dụng diện thường xuyên, an toàn đạt 99,65%, tăng 0,79% so với khi bắt đầu xây dựng NTM. Ông Trần Văn Lâm (ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, là khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa của xã, trước năm 2010, nguồn điện ở đây rất yếu, chỉ đủ để thắp sáng, không thể dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để canh tác 1ha mãng cầu, gia đình ông phải đầu tư một chiếc máy nổ chạy bằng dầu để bơm nước tưới tiêu, tốn nhiều chi phí, công sức. Năm 2010, thực hiện xây dựng NTM, hệ thống lưới điện nơi đây đã được đầu tư nâng cấp. “Giờ đây, việc tưới tiêu cho gần 70ha mãng cầu trên địa bàn ấp rất dễ dàng nhờ nguồn điện luôn được bảo đảm, giúp nông dân tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết, tính đến tháng 7/2019, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng NTM tại TX. Phú Mỹ hơn 459.000 tỷ đồng. Hệ thống giao thông trục xã, liên thôn, nội đồng… được nhựa hóa và cứng hóa tại tất cả các xã; hạ tầng điện, thủy lợi, giao dục, văn hóa… được hoàn thiện. Trong những năm qua, các ban ngành, đoàn thể thị xã đã vận động người dân hiến 21.880m2 đất để xây dựng, làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp, xây dựng kiên cố hóa bê tông 214 tuyến đường, ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 256km. TX. Phú Mỹ cơ bản hoàn thành 6 loại công trình hạ tầng thiết yếu.
Trong khi đó, tại huyện Châu Đức, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, trong 10 năm xây dựng NTM, địa phương đã huy động được 4.490 tỷ đồng, trong đó các DN và nhân dân đóng góp 1.742 tỷ đồng; nhân dân tự nguyện hiến 344.680m2 đất, chặt bỏ 34.200 cây trồng các loại, tự tháo dỡ 13.500m tường rào… để mở rộng, bê tông hóa 320km đường giao thông thôn ấp, đường nội đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
NHÓM PV