Thời gian tới, giá heo được dự báo ở mức cao, cộng với nguồn cung không dồi dào, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh đàn gia cầm, nhất là gà nhằm phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Anh Đào Quốc Bình, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức tăng đàn gà để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. |
Anh Đào Quốc Bình, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba huyện Châu Đức đang nuôi 5.000 con gà ta thả vườn giống Bình Định. Những năm gần đây, anh tiến hành nuôi theo hình thức “cuốn chiếu”, chia đều ra các thời điểm trong năm chứ không tập trung vào vụ Tết do lo ngại cung vượt cầu. Tuy nhiên, năm nay anh quyết định đầu tư thêm 2.000 con gà để phục vụ thị trường cuối năm. Anh Bình giải thích: “Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá heo được dự báo sẽ ở mức cao từ nay đến cuối năm nên người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ lựa chọn các loại thực phẩm khác. Khi đó, giá thịt gà tăng theo là điều rất dễ xảy ra. Vì vậy, tôi quyết định tăng đàn với hy vọng thu được lợi nhuận tốt trong dịp Tết Nguyên đán”.
Theo ông Bùi Phong Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba, huyện Châu Đức, khá nhiều người chăn nuôi tại địa phương có cùng quan điểm với anh Bình. “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 60 hộ chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 150 ngàn con, chủ yếu là gà ta thả vườn. Năm nay, nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn tăng đàn để chuẩn bị bán Tết nên tổng đàn gà của xã tăng đến 30% chỉ trong thời gian ngắn”, ông Hiếu thông tin.
Bên cạnh đó, một số trại heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi cũng quyết định chuyển đổi sang nuôi gà. Ông Trần Tường, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc có đàn heo phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi. Ông Tường cho biết: “Với việc kinh tế của gia đình phụ thuộc nhiều vào chăn nuôi heo, trong khi cơ quan chức năng khuyến cáo không tái đàn vì nguy cơ tái phát dịch là rất cao, tôi đã mày mò, tìm hiểu và chuyển đổi sang nuôi 2.000 con gà ta thả vườn để phục vụ thị trường Tết năm nay”.
BR-VT là một trong các tỉnh của miền Nam thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (vùng không cúm gia cầm) tại các địa phương, huyện Côn Đảo, huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ và 6 xã của huyện Xuyên Mộc. Tại các khu vực này, các trang trại chăn nuôi sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh… Dự kiến, năm 2020, tỉnh sẽ được công nhận vùng an toàn dịch bệnh, đây là điều kiện để xây dựng vùng chăn nuôi chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới. |
Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết, chỉ từ giữa tháng 9 đến nay, tổng đàn gà của tỉnh đã tăng 400 ngàn con, lên đến 4,2 triệu con. Việc bà con chăn nuôi tăng đàn để bù đắp nguồn cung thịt heo cho thị trường Tết Nguyên đán là phù hợp. Theo ông Sỹ, dù việc thiếu thịt heo cuối năm nay khả năng khó xảy ra nhưng chắc chắn nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng và không thể dồi dào như mọi năm. Vì vậy, tăng nguồn cung cấp gia cầm nói chung, gà nói riêng sẽ giúp bù đắp phần nào nguồn thịt heo. Cùng với đó, ngành chăn nuôi của tỉnh đang hướng đến việc tăng đàn gia cầm, giảm đàn heo để bảo đảm các yếu tố về xã hội, môi trường. “Tuy nhiên, người chăn nuôi cần chú ý đến một số vấn đề khi tăng đàn hoặc chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi gia cầm. Cụ thể, khi tăng đàn, bà con cần chú ý đến vấn đề nguồn giống. Cần lựa chọn tại các cơ sở uy tín, có nguồn giống đạt chuẩn để tránh rủi ro trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, với việc mật độ trại/khu vực, mật độ gà/trại nuôi tăng lên sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh ở mức cao. Do đó, các trang trại cần chú ý đến vấn đề bảo đảm an toàn, thường xuyên tiêm vắc xin cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đối với các hộ mới chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, cần tìm hiểu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi, đặc điểm của chuồng trại chứ không chạy theo phong trào, gây rủi ro lớn cho kinh tế gia đình”, ông Sỹ khuyến cáo.
Bài, ảnh: QUANG VINH