Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, là chỗ dựa của nông dân trong công tác giảm nghèo và phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ sự hỗ trợ, đồng hành của HND các cấp, nông dân có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng hoa lan tại xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: KIM HỒNG |
Trên mảnh đất gần 1.000m2 ở thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, đầu năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Diêm xây thêm chuồng trại để chăn nuôi dê. Hiện trang trại chăn nuôi của bà có 100 con heo, 200 con dê và hàng chục ngàn con gà, vịt, bồ câu. Thế nhưng, để có một “cơ ngơi” như vậy ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, gia đình bà Diêm thuộc hộ khó khăn của xã. Bà Nguyễn Thị Diêm kể, năm 2010 gia đình bà được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời bà được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi và học tập kinh nghiệm thực tế từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả do HND các cấp tổ chức. Nhờ có vốn và kỹ thuật chăn nuôi, bà mạnh dạn nuôi heo và các loại gia cầm. “Tích tiểu thành đại”, chăn nuôi có lãi bà lại tiếp tục mở rộng chuồng trại, nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm. Hiện mỗi năm gia đình bà có thu nhập từ 500-600 triệu đồng.
Gia đình bà Diêm chỉ là một trong số rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh giàu lên nhờ được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tại huyện Đất Đỏ, từ đầu năm đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân được 2,7 tỷ đồng cho 105 hội viên vay vốn, thực hiện 7 dự án sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, HND các xã còn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân. Nhờ đó, không ít hộ nông dân ở đây đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Là hộ nghèo nhiều năm liền, năm 2017, ông Trần Văn Bảo (ấp Phước Lộc, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) được HND xã Phước Hội bảo lãnh cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, sau gần 3 năm, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên thành 12 con, trong đó có 4 con bò cái sinh sản. Để có thêm kiến thức trong chăn nuôi, ông Bảo đã chủ động tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của HND các cấp. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng diện tích hơn 500m2 vườn để trồng rau màu gồm các loại mướp, bắp, đậu, cải… vừa tăng thêm thu nhập vừa có nguồn thức ăn cho đàn bò. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nuôi trồng, gia đình ông Bảo đã trả hết vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân và thoát nghèo. Hiện gia đình ông có thu nhập 60-70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và trồng trọt.
Ông Đoàn Văn Hai, Chủ tịch HND tỉnh cho biết, đến nay, HND tỉnh đang quản lý hơn 808 tỷ đồng vốn vay. Các dự án cho vay vốn tập trung vào góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế trong liên kết sản xuất, hỗ trợ cho hội viên, nông dân có vốn đầu tư sản xuất để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống và xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao. Không chỉ giúp nông dân có vốn sản xuất, HND các cấp còn cho nông dân “cần câu cơm” bằng cách tổ chức các lớp dạy nghề. Nhờ vậy, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ngày càng phát huy hiệu quả, giúp các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Cũng theo HND tỉnh, năm 2019 cùng với phong trào thi đua “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội tăng cường hỗ trợ về vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân khoa học kỹ thuật, cụ thể là phối hợp với Sở KH-CN và Sở LĐTBXH tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề. Đồng thời, các cấp Hội cũng đẩy mạnh hỗ trợ về thị trường bằng việc phối hợp với Sở Công thương tổ chức cho nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường nông sản. Qua đó thể hiện quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân, làm tăng thêm uy tín của Hội, góp phần tạo nên sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức Hội. Năm 2019, đã có hơn 27.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như nông dân Hồ Văn Tốp (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) với mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 2ha, thu nhập sau khi trừ chi phí được hơn 2 tỷ đồng/năm, giải quyết 15 lao động có việc làm ổn định; nông dân Nguyễn Văn Liên (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) với 2,2ha đất trồng thanh long, với thu nhập 700-900 triệu đồng/năm; nông dân Đỗ Văn Tam (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) với mô hình chăn nuôi heo, gà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, lợi nhuận sau khi trừ chi phí 2,7 tỷ đồng/năm, hàng năm tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động…
KIM HỒNG - MINH AN