Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá heo hơi từ 42.000-45.000 đồng/kg đã tăng lên 60.000-62.000 đồng/kg. Do dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được kiểm soát, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo trên cả nước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên tại BR-VT, thông tin từ ngành chức năng cho thấy, tỉnh vẫn có thể bảo đảm nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán 2020.
Khách hàng chọn mua thịt heo tại chợ Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu. |
GIÁ TĂNG MỖI NGÀY
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, do heo hơi tăng giá, các tiểu thương cũng liên tục điều chỉnh tăng lên mỗi ngày. Sáng 16/10, tại chợ Chí Linh, TP. Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Mừng, chủ sạp thịt heo cho biết, 2 tuần qua giá heo tăng mạnh. Cuối tháng 9/2019 giá thịt heo tại chợ vẫn giữ ổn định, tuy nhiên đến đầu tháng 10 giá bán phải điều chỉnh tăng từng ngày do đầu mối cung thịt heo sỉ báo giá tăng. So với cuối tháng 9, giá heo đã tăng lên 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại. “Mặc dù giá heo tăng cao nhưng sức tiêu thụ không hề giảm. Mỗi ngày tôi lấy 1 con, chỉ tầm đến 11 giờ trưa là bán hết. Tuy nhiên rất nhiều khách hàng thắc mắc về giá bán nên ai mua cũng phải giải thích giá tăng là do từ đầu mối tăng, chứ tiểu thương cũng không lãi nhiều”, chị Mừng cho biết.
Theo đó, so với cuối tháng 9/2019, thịt đùi heo từ 70.000 đồng tăng lên 85.000 đồng/kg; sườn non từ 130.000 đồng tăng lên 160.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn từ 100.000 đồng tăng lên 120.000 đồng/kg; chân giò tăng thêm 10.000 đồng lên 100.000 đồng/kg, xương ống cũng tăng từ 60.000 đồng lên 75.000 đồng/kg...
Cũng trong sáng 16/10, sau khi hỏi mua 0,5kg thịt ba rọi rút sườn, chị Lê Thị Thúy (nhà ở chung cư Phoenix, Trung tâm đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) tỏ ra khá bất ngờ với giá thịt heo. “Trước đây mua nửa ký ba rọi có 50.000 đồng thì nay đã tăng lên 60.000 đồng. Còn sườn non chỗ thì bán 160.000 đồng/kg, chỗ báo giá 165.000 đồng/kg, hỏi xong không dám mua nữa vì cao quá. Cứ đà này chắc phải chuyển sang ăn cá nhiều hơn thôi”, chị Thúy cho hay.
Trong khi đó, tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, thương lái đang “lùng” mua heo hơi tại trại với giá 60.000-61.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Không chỉ mua heo đạt chuẩn, các loại heo mọi lứa tuổi đều được thương lái thu mua với giá cao. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết: “Dù giá cao nhưng trên địa bàn không còn heo để bán do phải tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, không có nhiều người chăn nuôi hưởng lợi từ giá bán cao kỷ lục này. Hiện tôi vừa tái đàn khoảng hơn 2 tháng nay, hy vọng giá heo tiếp tục giữ mức cao để có thể thu lãi, bù đắp vào các đợt heo rớt giá trước đây”, ông Hiệp nói.
BR-VT VẪN BẢO ĐẢM NGUỒN CUNG
Theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019, đến thời điểm này, cả nước đã bị thiệt hại khoảng 5,5 triệu con, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng thịt. Đỉnh điểm là hồi tháng 5, cả nước đã phải tiêu huỷ tới 1,2 triệu con heo do nhiễm dịch bệnh. Dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua đã góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi heo và chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản... để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt heo. Tuy nhiên, khả năng thiếu nguồn cung thịt heo vào dịp Tết là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, tại BR-VT, theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sau 4 tháng dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tổng đàn heo của BR-VT đã giảm gần 100.000 con, xuống còn hơn 320.000 con. Trong đó, khoảng 30.000 con phải tiêu hủy vì mắc bệnh, còn lại, tổng đàn giảm dần do một số thời điểm, người chăn nuôi ngại dịch nên bán “tháo” heo. Tuy nhiên, ông Trung nhận định, dù tổng đàn giảm nhưng việc thiếu nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, đặc biệt là Tết Nguyên đán là khó xảy ra. Ông Trung giải thích: “Trung bình, mỗi tháng, toàn tỉnh chỉ tiêu thụ hết 40.000 con heo thịt (tăng lên khoảng 55.000-60.000 con dịp Tết) trong khi tổng đàn của tỉnh còn nhiều, các trang trại lớn vẫn đang an toàn với dịch bệnh. Nguyên nhân giá heo tăng mạnh là do xu thế chung của cả nước khi miền Bắc và một số tỉnh miền Nam có lượng heo mắc bệnh quá lớn. Cùng với đó, nhiều người chăn nuôi đang có xu hướng giữ đàn để tiếp tục chờ tăng giá. Thời gian tới, heo của BR-VT có thể tiếp tục xuất ra các tỉnh khác và tình trạng thiếu nguồn cung rất khó xảy ra”.
Ngày 15/10, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ NN-PTNT có giải pháp ổn định giá cả thịt heo từ nay đến cuối năm. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt heo (bao gồm cả thịt heo hơi và thịt heo thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt heo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước). Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. |
Theo ông Trung, thời gian qua, dịch bệnh đã có những dấu hiệu chững lại, nhưng nguy cơ tiếp tục bùng phát vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, ngành chăn nuôi đã vận động các trang trại từng có heo mắc dịch bệnh ký cam kết không tái đàn. Đối với các trang trại hở chưa có heo bệnh, cơ quan thú y cũng tiến hành hướng dẫn để cải tạo, phun, xịt khử trùng nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh và cũng được khuyến cáo giữ nguyên số lượng đàn, không vội tăng đàn cho đến khi tình hình được kiểm soát tốt. Chỉ có các trang trại lạnh, trại kín và bảo đảm an toàn sinh học mới có thể tăng số lượng nuôi, nhưng vẫn cần thực hiện kỹ lưỡng quy trình phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ đàn heo trong thời điểm này.
QUANG VINH - VÕ THANH