Dòng vốn đầu tư nông nghiệp, nông thôn ngày càng nhiều

Thứ Năm, 24/10/2019, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Vốn tín dụng ngân hàng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định được điều này, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã triển khai các giải pháp, hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp - nông thôn (NN-NT). Qua đó góp phần thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Các điểm giao dịch ngân hàng phủ rộng từ thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân có nhiều cơ hội, quyền lựa chọn đơn vị cung ứng vốn. Trong ảnh: Nhân dân xã Hoà Hưng, huyện Xuyên Mộc làm thủ tục vay vốn của NHCSXH.
Các điểm giao dịch ngân hàng phủ rộng từ thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân có nhiều cơ hội, quyền lựa chọn đơn vị cung ứng vốn. Trong ảnh: Nhân dân xã Hoà Hưng, huyện Xuyên Mộc làm thủ tục vay vốn của NHCSXH.

ĐẦU TƯ TÍN DỤNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NGÀY CÀNG TĂNG

Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, đến nay nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển NN-NT nói chung và xây dựng NTM nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2011, nguồn vốn cho xây dựng NTM chỉ đạt 1.406 tỷ đồng, thì đến đầu năm 2019 đạt 11.142 tỷ đồng.

Điều đáng nói là nguồn vốn tín dụng cho NN-NT ngày càng thu hút được nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cùng tham gia. Trước đây, đóng vai trò chủ lực là các NHTM Nhà nước, trong đó chủ yếu là hệ thống Ngân hàng Agribank và NHCSXH tỉnh thì đến nay đã có 42/49 chi nhánh TCTD tham gia cho vay lĩnh vực NN-NT. Ngoài ra còn có 7 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các điểm giao dịch ngân hàng phủ rộng từ thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân có nhiều cơ hội, quyền lựa chọn đơn vị cung ứng vốn cũng như tiện ích ngân hàng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; phù hợp với việc sản xuất hàng hóa nông, lâm sản cung ứng cho nền kinh tế. Đặc biệt, với cơ chế hỗ trợ lãi suất tại các xã xây dựng NTM đã trực tiếp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực NN-NT được các TCTD áp dụng thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực NN-NT, DN ứng dụng công nghệ cao thấp nhất là 5,5%/năm, phổ biến ở mức 6-6,5%/năm.

VẪN TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO

Theo đánh giá của NHNN, dù cho vay vào lĩnh vực NN-NT đã đạt được kết quả khích lệ, tuy nhiên, thực tế cho thấy đầu tư vốn tín dụng đối với NN-NT vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; vấn đề quy hoạch. Bên cạnh đó, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều hạn chế. Chính sách bảo hiểm sản phẩm trong nông nghiệp mới được triển khai chưa thực sự là công cụ phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và TCTD…

Tính đến đầu tháng 9/2019, doanh số cho vay phục vụ chương trình xây dựng NTM (lũy kế từ năm 2011) đạt 54.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 14.750 tỷ đồng (gồm 71.900 hộ dân và 340 DN còn dư nợ), tăng gấp 10 lần so với thời điểm 2011; chiếm 63,4% dư nợ cho vay đối với lĩnh vực NN-NT, chiếm 18,2% trong tổng dư nợ đầu tư tín dụnh cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Ước đến cuối năm 2020, doanh số cho vay phục vụ chương trình NTM 79.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 18.900 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đầu tư cho vay xây dựng NTM tăng thêm giai đoạn 2011-2020 là 17.494 tỷ đồng.

(Nguồn NHNN, Chi nhánh BR-VT).

Bà Phan Thị Hồng Lam cho biết: Để dòng vốn tín dụng tập trung được nhiều hơn vào lĩnh vực NN-NT, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình tín dụng phục vụ phát triển NN-NT và các chương trình khác của NHNN Việt Nam gắn với thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song song đó, đơn vị yêu cầu các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với nông dân, đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân; chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất NN-NT, đặc biệt là nhu cầu vốn tín dụng của các địa phương đã được Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh lựa chọn xây dựng NTM…

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.