Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng

Thứ Tư, 23/10/2019, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2019, diện tích trồng rừng trong quy hoạch được bảo đảm nhờ cơ quan chức năng đã chú trọng khắc phục một số khó khăn về quỹ đất sạch, tiến độ giải ngân kinh phí.

Chi Cục kiểm lâm và các đơn vị phối hợp trồng rừng tại huyện Châu Đức. Ảnh: KIM HỒNG
Chi Cục kiểm lâm và các đơn vị phối hợp trồng rừng tại huyện Châu Đức. Ảnh: KIM HỒNG

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, năm 2019, toàn tỉnh dự kiến trồng 630ha rừng nằm trong quy hoạch. Đến nay, các chủ rừng đã thực hiện trồng 496ha, trong đó, rừng phòng hộ gần 88ha, rừng đặc dụng 88ha và rừng sản xuất 320ha. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT sẽ tiếp tục trồng 130ha rừng sản xuất còn lại. Như vậy, năm nay, diện tích rừng trồng trong quy hoạch đã bảo đảm theo kế hoạch được đề ra.

Theo ông Trần Giang Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý- Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm, những năm qua, tỷ lệ trồng rừng theo kế hoạch luôn đạt thấp do các nguyên nhân như kinh phí giải ngân chậm, thiếu đất sạch để trồng rừng, việc chăm sóc rừng sau trồng chưa hiệu quả… Do đó, ngay từ đầu năm nay, các chủ rừng, cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp khắc phục. Trước hết là công đoạn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để việc trồng rừng được thực hiện đúng thời điểm, tiến độ. Ông Nam cho biết: “Để khắc phục tình trạng kinh phí trồng rừng được giải ngân chậm như trước đây, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các chủ rừng đã tiến hành khảo sát khu vực trồng, gieo ươm chuẩn bị cây giống, lập hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng và trình UBND tỉnh ngay từ tháng 3. Sau đó, các chủ rừng hoàn thiện thủ tục đấu thầu theo quy định. Nhờ chủ động về thời gian, năm nay, cây rừng được trồng đúng thời vụ nên không những đạt chỉ tiêu về diện tích mà sự phát triển cũng tốt hơn”.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBTTNBCPB), ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất trong trồng rừng tại khu bảo tồn là nhiều diện tích được giao trong kế hoạch trồng rừng thuộc lâm phần mà người dân “chiếm dụng” để sinh sống, canh tác. Vì vậy, diện tích này không thể tiến hành trồng rừng do chưa di dời được người dân. Trước thực trạng này, BQL KBTTNBCPB thường xuyên tiến hành tuần tra để phát hiện và ngăn chặn, nhổ bỏ ngay các loài cây trồng sai mục đích, công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp để lấy đất trồng rừng. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường vận động, tuyên truyền người dân không canh tác trái phép trong khu vực rừng đặc dụng. Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai Đề án ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong khu bảo tồn trên diện tích 1.200ha đất rừng. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết cấp kinh phí để thực hiện làm hàng rào quanh khu vực này. Những năm tới, nếu hoàn thành được việc thu hồi diện tích đất rừng đang bị lấn chiếm, KBTTNBCPB sẽ có thể triển khai trồng mới cả ngàn ha rừng”, ông Quyết thông tin thêm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, khác với rừng trồng mới trong quy hoạch đạt chỉ tiêu, rừng trồng nằm ngoài quy hoạch của tỉnh trong năm 2019 vẫn đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, năm nay, các địa phương, DN, KCN trên địa bàn tỉnh chỉ trồng được 58ha/351ha theo kế hoạch. Các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ đạt thấp là thiếu đất trồng rừng, thiếu nguồn vốn xã hội hóa. Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị các địa phương, BQL các KCN quan tâm, chú trọng thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh công tác trồng rừng ngoài quy hoạch để hoàn thành nhiệm vụ này của toàn tỉnh.

Đối với rừng phòng hộ, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trồng và chăm sóc rừng, Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh tổ chức giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng. Các hộ này bỏ vốn, công sức để trồng, chăm sóc, bảo vệ, phục hồi rừng. Đến khi diện tích rừng trồng được nghiệm thu đạt chất lượng theo yêu cầu, các hộ nhận khoán sẽ được chi trả kinh phí. Việc giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng hy vọng sẽ phát huy được hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ khu vực rừng trồng mới. Riêng ở các khu vực trồng rừng có điều kiện tự nhiên không tốt, chủ rừng tổ chức khảo sát, nghiên cứu để tìm loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ông Trần Giang Nam dẫn chứng: “Ví dụ ở những vùng rừng nước ngập sâu, thường xuyên ảnh hưởng bởi thủy triều… thì sẽ không trồng cây mắm và đước do tỷ lệ sống của các loại cây này rất thấp. Thay vào đó, chúng tôi chuyển sang trồng cây bần. Trên thực tế, loại cây này phát triển tốt, tỷ lệ sống cao trong điều kiện ngập mặn sâu. Cùng với đó, thay vì dùng loại giống còn ít ngày tuổi, khiến tỷ lệ sống thấp như trước đây, năm nay, chủ rừng cũng sử dụng loại cây giống 2 năm tuổi để trồng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt”.

QUANG VINH

 
;
.