Sông Chà Và và Sông Rạng là món quà thiên nhiên, giúp vùng đất này trở nên trù phú với nghề nuôi trồng thủy sản và kinh doanh trên sông. Vì vậy, chính quyền và người dân Long Sơn cần ra sức giữ gìn, bảo vệ dòng chảy trong lành để phát triển bền vững.
Người dân Long Sơn (TP.Vũng Tàu) thu hoạch hàu nuôi lồng bè trên sông Chà Và. Ảnh: TRÚC GIANG |
Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn khoảng 3.000ha, gồm 1.200ha đất đùng và 1.764ha mặt nước. Việc nuôi trồng thủy sản trên đùng hay dưới mặt nước đều phụ thuộc vào dòng chảy của sông Chà Và và Sông Rạng. Tổng số hộ nuôi trồng thủy sản là hơn 834 hộ. Các loại thủy sản được nuôi trồng chủ yếu như: cá chẽm, cá chim, cá bớp, tôm hùm, tôm kẹt, hàu, sò huyết... Mỗi hộ nuôi trồng thủy sản từ 20 - 100 lồng bè, nguồn lợi hải sản này giúp các hộ thu nhập bình quân từ 100-300 triệu đồng/năm. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đánh bắt hải sản ven bờ ở Long Sơn khoảng 7.000 tấn, trị giá hơn 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Ngoài nguồn lợi thủy sản, Long Sơn còn nổi tiếng bởi mô hình nhà hàng bè nổi trên sông. Hiện, có gần chục nhà hàng bè nổi nằm dọc theo sông Chà Và và Sông Rạng, với các thương hiệu như: Đực Nhỏ, Long Sơn, Năm Thắng,… phục vụ 200 - 300 lượt khách/ngày, lúc cao điểm có khi đến 600-800 lượt khách/ngày. Mô hình nhà hàng nổi và du thuyền trên sông đã tạo ra sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến Long Sơn tham quan, câu cá giải trí và thưởng thức hải sản tươi ngon.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hàng năm, vào tháng 4 khi trời nắng gắt hay vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11, ở xã Long Sơn thường xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại cho các hộ nuôi, năm thiệt hại thấp nhất cũng hơn 1 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm tới nay, trên sông Chà Và và Sông Rạng đã xảy ra 2 vụ cá chết hàng loạt. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng thủy sản nuôi trồng lồng bè bị chết hàng loạt trong thời gian qua nguyên nhân do mật độ nuôi hải sản dày đặc, và hàng ngày trên sông còn có nhiều rác thải sinh hoạt như: túi ni lông, bao đựng thực phẩm, thực phẩm dư thừa, vỏ chai nhựa… Bên cạnh đó, nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy chế biến hải sản trên thượng nguồn xả thẳng ra sông, cũng chính là nguyên nhân khiến cho môi trường nước sông bị ô nhiễm.
Các tác động gây ô nhiễm dòng chảy nêu trên đã ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của hộ dân. Anh Nguyễn Văn Minh (thôn 6, xã Long Sơn) cho biết, nếu như 10 năm trước, hiệu quả thả nuôi cá của gia đình anh đạt 90% thì nay tỷ lệ thành công chỉ còn khoảng 50%. Theo anh Minh, các hộ nuôi thủy sản lồng bè trên sông đã ý thức hơn trong việc thu gom rác đưa vào bờ xử lý, không thải ra sông để bảo vệ nguồn nước.
Trong thời gian qua, vấn đề bảo vệ dòng sông Chà Và và Sông Rạng tránh khỏi ô nhiễm luôn được lãnh đạo Tỉnh, TP.Vũng Tàu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, yêu cầu địa phương tổ chức việc thu gom rác lưu động trên các lồng bè, nhà hàng nổi; xử phạt cơ sở sản xuất, chế biến hải sản xả nước thải ra sông nhưng chưa qua xử lý; tích cực triển khai đầu tư xây dựng cụm chế biến thủy sản tập trung nơi khác, để sớm di dời các cơ sở chế biến hải sản trên thượng nguồn 2 dòng sông; quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản và khuyến cáo hộ dân không nuôi dày đặc, xử lý thức ăn cho việc nuôi hải sản và xả thải bảo đảm vệ sinh môi trường nước…
Sau một ngày đi thăm các lồng bè nuôi hải sản, nhà hàng nổi trên sông Chà Và và Sông Rạng, chúng tôi rời xã Long Sơn trong nắng chiều nhạt dần, hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống. Đứng từ trên cầu Chà Và nhìn xuống dòng sông, các nhà bè trên sông sáng lên ánh điện. Trước khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên lộng gió, chúng tôi tin rằng, người dân Long Sơn sẽ tiếp tục chung tay cùng với chính quyền bảo vệ dòng chảy của 2 con sông tránh bị ô nhiễm, gắn chặt phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi sinh, môi trường xã đảo Long Sơn.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG – NGỌC BÍCH