Yếu công nghiệp hỗ trợ, ngành dệt may khó cạnh tranh

Chủ Nhật, 08/09/2019, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Sở Công thương, nhiều năm qua ngành dệt may đạt mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 560-600 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển chưa tương xứng, nên 95% nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này không chỉ khiến DN luôn ở thế bị động khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mà còn giảm sức cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng. 

Ngành dệt may sẽ khó bứt phá nếu thiếu công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: May quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH May quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ).
Ngành dệt may sẽ khó bứt phá nếu thiếu công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: May quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH May quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ).

Ông Trần Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) cho biết: Từ đầu năm đến nay thị trường xuất khẩu ổn định, các đơn hàng đi châu Âu, nhất là thị trường Nga ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cùng với những điều kiện thuận lợi thì vấn đề khó khăn nhất hiện nay là DN chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Hiện tại Công ty TNHH May Tân Mỹ vẫn phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu để phục vụ sản xuất do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Do phải nhập khẩu nhiều nên hoạt động sản xuất của DN bị động, giá thành sản phẩm cũng cao hơn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 32 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, trong đó, có 8 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho ngành dệt may. Tuy nhiên, các sản phẩm chỉ mới dừng lại ở những công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, xốp, đệm bông, nhựa cài, chăn ga, gối đệm, chỉ dây, khóa keo, băng chun, băng dính. Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải phải nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm còn thấp. Do đó, khi giá cả trên thế giới biến động tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.  

Nhiều DN trong ngành dệt may cũng cho rằng, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá nhiều đang là thách thức đối với DN dệt may hiện nay. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội rất lớn cho ngành dệt may, do đó ngành này đang cần cú huých tích cực từ nhóm ngành CNHT dệt, nhuộm. Bởi nếu như các DN dệt may không tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì cũng không thể hưởng các chính sách ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Đây cũng là điều khiến cho các DN dệt may khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Bà Rịa cho biết: Ngành dệt may sẽ khó bứt phá nếu thiếu CNHT. Hiện Công ty TNHH Dệt may Bà Rịa vẫn phải nhập khẩu hơn 85% lượng vải từ nước ngoài. Trong khi đó, những sản phẩm trong nước có nhiều loại cũng chưa đạt được chất lượng cao để phục vụ những đơn hàng chuyên biệt của đối tác.

Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, tỉnh đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành CNHT, trong đó có lĩnh vực dệt may. Ngoài ra, tới đây, dự án hóa dầu Long Sơn đưa vào hoạt động với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/năm, có khả năng  cung cấp một số sản phẩm hóa dầu làm nguyên liệu cho ngành dệt may (xơ sợi tổng hợp polyester). Do đó, sẽ giúp các DN dệt may chủ động tốt hơn về nguồn nguyên liệu, đáp ứng các yêu cầu từ các Hiệp định thương mại.

Đồng thời, để ngành dệt may phát triển bền vững, tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các DN ngành CNHT như: Phát triển thêm nhiều công ty sản xuất sợi, nguyên vật liệu để tạo tính cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm sợi; đa dạng nguồn cung ứng nguyên vật liệu may mặc tại địa phương có chất lượng tốt và giá cả phù hợp ổn định (do giá thành cao, thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất), có nơi tập trung các công ty sản xuất các nguyên vật liệu; Tạo thuận lợi về hành lang pháp lý theo hướng đơn giản cho DN, có chính sách ưu đãi đặc thù cho ngành CNHT dệt may; hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để DN đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật bổ sung máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất.

Nhằm thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành dệt may, các DN kiến nghị, tới đây, tỉnh có thêm một CCN và thu hút các DN CNHT ngành may mặc tập trung để chuyên sản xuất nguyên phụ liệu. Như thế, “điểm nghẽn” chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may như mài, in sẽ được tháo gỡ. Theo đó, CCN sẽ chịu trách nhiệm xử lý nước thải tập trung còn xử lý cục bộ sẽ do các DN chịu  trách nhiệm. Như vậy giá thành sẽ cạnh tranh và môi trường cũng được quản lý chặt chẽ.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.