Thất thoát nguồn thu từ khai thác khoáng sản

Thứ Năm, 12/09/2019, 21:29 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và UBND các địa phương đã tiến hành 170 buổi kiểm tra, phát hiện 37 trường hợp khai thác khoáng sản (KTKS) không phép và khai thác không đúng giấy phép. 

Việc quản lý sản lượng khai thác khoáng sản tại các mỏ chưa chặt sẽ dễ dẫn đến thất thoát khoáng sản.  Trong ảnh: Khai thác khoáng sản tại mỏ vật liệu san lấp, ấp 3, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ.
Việc quản lý sản lượng khai thác khoáng sản tại các mỏ chưa chặt sẽ dễ dẫn đến thất thoát khoáng sản. Trong ảnh: Khai thác khoáng sản tại mỏ vật liệu san lấp, ấp 3, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ.

Theo Sở TNMT, hầu hết các mỏ KTKS đều vi phạm các lỗi: bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng lập chưa đúng với quy định; khai thác sai vị trí so với thiết kế; chưa nộp thiết kế mỏ cho các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; một số đơn vị chưa đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty CP Phước Hòa Fico được UBND tỉnh cấp giấy phép KTKS số 13/GP-UBND tỉnh năm 2009 tại mỏ đá xây dựng núi Ông Trịnh (phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ) trên diện tích khai thác 93,36ha. Trữ lượng được phép khai thác là 16 triệu m3. Cao độ kết thúc khai thác từ +30m đến +40m; công suất khai thác là 1 triệu m3/năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có những khu vực công ty này đã khai thác vượt độ sâu cho phép 5-8m. Do đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Phước Hòa Fico khắc phục bằng cách san lấp trả lại mặt bằng.

Còn mỏ đá Puzolan Núi Sao (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) do Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư tổng hợp và hợp tác quốc tế làm chủ đầu tư có diện tích được cấp phép gần 60ha, từ khi đi vào hoạt động (năm 2014) đến nay, công ty chỉ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường tại tỉnh BR-VT với số tiền 9 tỷ đồng. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng được tính dựa theo sản lượng thực khai thác thì không giám sát được sản lượng khai thác do đơn vị xuất hóa đơn tại công ty mẹ và đóng thuế tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Trần Đăng Khánh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư tổng hợp và hợp tác quốc tế cho biết, mỗi năm công ty khai thác khoảng 500.000 tấn. Nhưng theo Cục thuế tỉnh, công ty này chỉ báo cáo sản lượng khai thác 100.000 tấn/năm.

Tình trạng KTKS trái phép, DN khai báo không thật, dẫn đến tình trạng thất thu thuế trong khai thác khoáng sản. Đặc biệt, việc KTKS chưa được kiểm soát chặt chẽ đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TNMT cũng xác nhận, hiện nay một số quy định trong các văn bản pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về KTKS. Cụ thể, các quy định của pháp luật về đấu giá quyền KTKS chưa gắn kết và phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013; quy định về kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của DN chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện... Bên cạnh đó, các biện pháp chế tài hiện chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nên hiệu quả chưa cao, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Theo báo cáo của Sở TNMT, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 41 giấy phép KTKS đang còn hiệu lực. Trong đó có 6 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT, 35 giấy phép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Giai đoạn từ 2014-2018, qua công tác thanh kiểm tra, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp với tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng; UBND tỉnh cũng đang xem xét thu hồi 2 giấy phép KTKS của 2 DN; dừng hoạt động khai thác có thời hạn nhiều trường hợp để yêu cầu khắc phục các sai phạm trong hoạt động khai thác.

Ông Ngô Phước Thành, Cục trưởng Cục thuế tỉnh phân tích, để quản lý được khối lượng khoáng sản mà DN khai thác thì phải quản lý khối lượng khoáng sản ra khỏi mỏ, sau đó đối chiếu với số lượng kê khai qua nhiều khâu thì sẽ biết được mức độ trung thực DN. Nếu không kiểm soát chặt thì khả năng DN khai thác 10 phần, nhưng chỉ báo cáo 1 phần là không loại trừ. Ông Thành cũng cho biết, để giúp địa phương quản lý chặt chẽ hơn hoạt động KTKS, Cục Thuế tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị KTKS có trụ sở từ các địa phương khác phải lập cơ sở pháp nhân tại tỉnh BR-VT để quản lý tình hình khai thác và việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ.

Cho rằng tài nguyên khoáng sản của tỉnh đang bị “chảy máu”, trong khi tỉnh không thu được nguồn thuế từ nhiều DN KTKS tại BR-VT nhưng có trụ sở chính tại các địa phương khác, ông Nguyễn Thành Long, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, BR-VT sẽ xây dựng các biện pháp chế tài mạnh, nếu các DN KTKS không chấp hành việc thành lập pháp nhân tại BR-VT thì UBND tỉnh sẽ đề nghị rút giấy phép khai thác và đóng cửa mỏ.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.