Nhiều sự hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển
Trong 10 năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự gia tăng về số lượng, KTTN đã đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và tạo nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, để thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, rất cần sự “tiếp sức” của Nhà nước, nhất là hỗ trợ về vốn, thị trường…
Khách hàng thưởng thức xúc xích của Công ty TNHH Phương Khoa (TP. Vũng Tàu) tại Hội chợ công thương khu vực phía Nam 2019. |
PHÁT HUY NỘI LỰC
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, kinh tế tư nhân đã ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều năm qua, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các DN khu vực kinh tế tư nhân có chiều hướng tăng. Riêng năm 2018, doanh thu này đạt khoảng 137 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng doanh thu thuần của tất cả các DN trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, thời gian qua, nhiều DN thuộc khu vực KTTN ngoài việc xây dựng thành công thương hiệu, đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, còn tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Sau 30 năm thành lập, đến nay sản phẩm xúc xích, thịt nguội của Công ty TNHH Phương Khoa (40, Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) đã được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa cho biết: Trong thời gian đầu thành lập, mỗi ngày Công ty chỉ tiêu thụ được 20kg/ngày thì nay đã tăng lên 200kg/ngày. Các sản phẩm xúc xích, thịt nguội của Công ty hiện có mặt ở thị trường BR-VT và các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ, Tịnh Biên (An Giang)…
Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm: Trong quá trình hoạt động, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, công ty đã không ngừng đầu tư thêm máy móc. Mới đây nhất, Công ty đã đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy massa thịt để rút ngắn quy trình ướp thịt dambon từ 7-8 ngày xuống còn 48 tiếng; 1,2 tỷ đồng mua lò sấy, hấp, hun khói của Đức để tăng công suất lên gấp 2 lần so với lò cũ, chất lượng cao hơn, tỷ lệ hao hụt giảm, góp phần giảm giá thành và cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại.
Sản xuất chocolate tại xưởng của Công ty TNHH thực phẩm Amazon (TX.Phú Mỹ). Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Hiện nay, ngoài việc bán hàng trực tiếp tại Công ty và online, Công ty còn mở thêm một số điểm bán hàng khác trên địa bàn tỉnh: 414 Trương Công Định và siêu thị U-Mart. Ngoài ra, Công ty đang làm việc với Khu du lịch Biển Đông để đặt ki ốt phục vụ nhu cầu của du khách.
Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, Công ty TNHH thực phẩm Amazon (TX. Phú Mỹ) đã gặt hái được nhiều thành công, đạt được nhiều chứng nhận cũng như giải thưởng uy tín trong nước và thế giới trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chocolate. Sản phẩm ca cao và chocolate Bapula hữu cơ với 5 loại sản phẩm gồm: 92% organic, 72% organic, 72% thường, 68% thường và 72% quế hồi đã được bán rộng rãi trên thị trường BR-VT, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang… Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, thương hiệu ca cao, chocolate Bà Rịa Organic 92%, đã chinh phục các chuyên gia chocolate khó tính thế giới và được Tập đoàn CPoint Nhật Bản ký độc quyền phân phối tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản trong thời gian 10 năm, với sản lượng khoảng 3 tấn/năm và giá trị hợp đồng dự kiến sẽ tăng thêm từ 30-50%/năm. Dự định trong thời gian tới, ngoài phát triển thêm thị trường xuất khẩu, Công ty còn hướng đến mục tiêu đưa chocolate trở thành món ăn thường nhật của từng gia đình Việt Nam.
VẪN CẦN ĐƯỢC “TIẾP SỨC”
Theo các chuyên gia kinh tế, dù được xem là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền KTTN còn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém. Đó là KTTN có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, DNNVV, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác… Ngoài ra, vẫn còn không ít rào cản khiến cho khu vực KTTN chậm phát triển như khó tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng (do thiếu vốn đối ứng, thiếu tài sản thế chấp...), chưa tiếp cận được khoa học - công nghệ tiên tiến, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trước thực trạng này, để tạo đà cho KTTN phát triển, thời gian qua, tỉnh BR-VT, các Sở, ngành Hiệp hội đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ trong và ngoài nước, nhằm kết nối giao thương giữa các DN. Qua đó, đã có hàng trăm hợp đồng giá trị được ký kết. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các phiên chợ hàng Việt ra Côn Đảo, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định…Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Chỉ tính riêng chương trình khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án tăng năng lực sản xuất cho các DN. Nhiều DNNVV sau khi được hỗ trợ đầu tư cải tiến máy móc, công nghệ đã tiếp cận được thêm nhiều đơn hàng mới.
Ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đẩy mạnh chương trình liên kết các hội viên tiêu thụ sản phẩm cho nhau. Cụ thể, Hiệp hội đã kết nối Công ty TNHH Hiếu Nghĩa tiêu thụ vật liệu xây dựng gạch nung của Công ty Thành Chí. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn quyết toán thuế và giải đáp thắc mắc về chính sách thuế cho DN. Qua đó, kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng DN thành lập mới không ngừng tăng mạnh. Tính đến đầu tháng 7, tỉnh cấp giấy chứng nhận đang ký cho 710 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 7.115 tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ; đăng ký tăng vốn cho 46 DN, với số vốn tăng 2.320 tỷ đồng, tăng 190,97% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến đầu tháng 7-2019, toàn tỉnh có 15.648 DN còn đăng ký hoạt động. Khu vực KTTN đã đóng góp hơn 30% GPDP của tỉnh (trừ dầu khí). KTTN cũng là khu vực chủ yếu tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội. Tổng số lao động làm việc trong khu vực KTTN khoảng 500 ngàn người, chiếm 85% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. |
Trong hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai các chương trình kết nối giữa các ngân hàng thương mại với DN. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm, tổng số tiền cam kết cho vay phát sinh trong năm 2019 là 3.990 tỷ đồng (lũy kế từ đầu chương trình đạt 11.100 tỷ đồng), doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt là 4.000 tỷ đồng (lũy kế từ đầu chương trình đạt 11.600 tỷ đồng) với 45 doanh nghiệp vay vốn, dư nợ đạt 5.200 tỷ đồng (20 doanh nghiệp còn dư nợ), tăng 95% so với đầu năm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, khu vực KTTN có sự phát triển mạnh mẽ, là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển KTTN, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN lớn mạnh, có chất lượng.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - ĐÔNG HIẾU