Lãi suất cho vay sẽ giảm vào cuối năm

Thứ Hai, 09/09/2019, 20:16 [GMT+7]
In bài này
.

Vốn và lãi suất cho vay đang là vấn đề quan tâm của các DN,  nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao để bổ sung cho hoạt động sản xuất- kinh doanh. Làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn vay đang là bài toán khó của các DN. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN, Chi nhánh BR-VT.

 

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Vũng Tàu.

* PV: Thưa ông, để  tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ thị trường, nhất là những tháng cuối năm, NHNN đã có chỉ đạo thế nào đối với các NHTM?

- Ông Nguyễn Lợi: Trong những tháng cuối năm 2019, bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được giao. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao) và các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ. Song song đó, chúng tôi cũng yêu cầu các NHTM chủ động triển khai và giới thiệu các sản phẩm, chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, kết hợp với đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật cho mọi thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

* Được biết, NHNN đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay như: Tổ chức chương trình “Ngân hàng kết nối DN”, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính... nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các DN vẫn khó khăn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Trong thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh NHTM triển khai tích cực các chương trình hỗ trợ DN (chương trình kết nối Ngân hàng - DN, cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ…). Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận vốn của các DN  vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do hiện còn nhiều DN, đặc biệt DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn, thiếu vốn đối ứng, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, thiếu tài sản bảo đảm... Tiêu chí quan trọng đối với các ngân hàng khi cho các DN vay vốn là ngân hàng cần phải thẩm tra được dòng vốn đầu tư có mang lại hiệu quả, có khả năng trả nợ ngân hàng không. Từ đó, ngân hàng mới có thể đặt viên gạch cho nền móng hợp tác, cung cấp vốn cho các DN phát triển. Qua tìm hiểu, tổng hợp chúng tôi được biết, trong 8 tháng năm 2019, các NHTM đã tiếp nhận 86.500 hồ sơ xin vay vốn (khách hàng DN là 6.500 hồ sơ); đã giải quyết cho vay 84.700 hồ sơ, đạt 98%, trong đó, khách hàng DN là 6.300 hồ sơ; số hồ sơ không giải quyết cho vay là 1.800 hồ sơ, (khách hàng DN là 200 hồ sơ). Nguyên nhân chủ yếu của việc từ chối cho vay là do khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện vay theo quy định.

* Ông nhận định thế nào về thị trường mặt bằng lãi suất cho vay và huy động từ nay đến cuối năm?

- Diễn biến thị trường trong 8 tháng qua cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn tương đối ổn định, dao động từ 4,3% đến 7,9%/năm (tùy kỳ hạn). Lãi suất cho vay, thấp nhất 5,5% đến 12%/năm (tùy từng lĩnh vực và thời gian vay). Trong những tháng cuối năm 2019, với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh cuối năm, đồng thời cũng đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo định hướng của NHNN, lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài ngày đang được các NHTM tăng nhẹ so với những tháng đầu năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, ưu tiên có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể về lãi suất huy động, từ đầu tháng 8/2019, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Tại các NHTM Nhà nước (BIDV và Vietinbank) hiện cũng đã tăng lên mức 7%/năm, cao hơn so với 6,8-6,9% những tháng đầu năm. Các NH TMCP, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng đã tăng lên 8-8,8%/năm so với mức 6,9-7,9% trước đó như: NH Bản Việt, NH Xây Dựng, NH Quốc Dân, NH Đại chúng, NH Bắc Á...).

Về lãi suất cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên những tháng cuối năm có xu hướng giảm nhẹ dù lãi suất huy động tại các kỳ hạn trên 12 tháng tăng. Từ ngày 1/8, bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở, các chi nhánh NHTM Nhà nước trên địa bàn (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đã điều chỉnh giảm mức trần lãi suất cho vay đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, các ngân hàng này đã giảm từ 0,5-1%/năm so với đầu năm; đưa lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên không quá 5,5%/năm. Ngoài ra, một số chi nhánh NHTM như Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn - Thương tín... còn đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DN theo từng lĩnh vực kinh doanh: Gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng DN, lãi suất ngắn hạn từ 4-7%/năm, trung dài hạn từ 7,5-9,5%/năm.  

Có thể nói, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng thuận trong việc chia sẻ khó khăn với DN thông qua việc tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên. Do vậy, việc giảm lãi suất cho vay trong điều kiện hiện tại được xem là sự nỗ lực đáng kể của các ngân hàng thương mại.

* Xin cảm ơn ông!

THU THẢO (Thực hiện)

 
;
.