Gian nan công tác quản lý hàng mỹ phẩm, dược phẩm

Thứ Hai, 02/09/2019, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đối với nhóm mặt hàng này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra mỹ phẩm, hàng hoá các loại về nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn TP. Vũng Tàu.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra mỹ phẩm, hàng hoá các loại về nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn TP. Vũng Tàu.

KINH DOANH HÀNG NHẬP LẬU

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT), các cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết là cơ sở bán lại, không có đơn vị nhập khẩu trực tiếp. Mặc dù chưa phát hiện vụ việc kinh doanh hay sản xuất các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, nhưng thời gian qua, lực lượng QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điển hình vào ngày 22/7 vừa qua, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng Gia Bảo Liêng 2 trên đường Trương Công Định, phường 8, TP.Vũng Tàu. Qua kiểm tra, phát hiện cửa hàng này bày bán 538 chai, hộp sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Qua làm việc, xác định ông P.T.B. chủ cửa hàng Gia Bảo Liêng 2 đã có hành vi vi phạm hành chính với các lỗi: Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số lượng 538 chai, hộp sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại do nước ngoài sản xuất có trị giá hàng hóa vi phạm hơn 97 triệu đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo, rao bán trên mạng internet.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo, rao bán trên mạng internet.

Trước đó, qua nguồn tin báo của cơ sở và công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, ngày 15/1, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng mỹ phẩm Tiên - do bà N.T.T.T. là chủ hộ kinh doanh tại đường 27/4, khu phố Thạnh Sơn, TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Qua kiểm tra, bà N.T.T.T. có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm nhập lậu. Đã xử lý tịch thu 87 sản phẩm mỹ phẩm các loại có trị giá hàng hóa vi phạm hơn 17 triệu đồng, xử phạt tiền 8 triệu đồng.

Tương tự, ngày 27/12/2018, Đội QLTT số 1 cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng Myan trên đường Trương Công Định, phường 3, TP.Vũng Tàu do ông T.H.T. làm chủ hộ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang bày bán 70 sản phẩm mỹ phẩm các loại, đại diện cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Theo đó, cơ quan QLTT xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.H.T. với các hành vi vi phạm: Hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu có trị giá hàng hóa vi phạm hơn 46 triệu đồng, xử phạt tiền 31,5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

CẦN BỔ SUNG QUY CHẾ VÀ CHUYÊN MÔN 

Theo ông Lê Quang Hải, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chị thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh mà nòng cốt là lực lượng QLTT, Công an tỉnh, Sở Y tế và Đoàn Kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng trên cũng còn gặp không ít khó khăn. 

Cụ thể, lĩnh vực mỹ phẩm hiện chưa có quy chế và các tiêu chuẩn để lấy mẫu mỹ phẩm, nên các cơ sở kinh doanh chưa hợp tác trong việc lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Số lượng mẫu lấy rất khó đạt, do cơ sở kinh doanh có số lượng mỹ phẩm rất ít trong một mặt hàng. Cán bộ lấy mẫu của hệ thống kiểm nghiệm mỹ phẩm chưa được cấp thẻ kiểm soát viên chất lượng, dẫn đến khó khăn trong thực hiện chức năng giám sát thị trường. Kinh doanh mỹ phẩm thuộc diện không cấp phép, một số cơ sở kinh doanh trên các trang mạng xã hội, qua điện thoại nên rất khó trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. 

Chị Lê Thị Thủy (phường 3, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Chị em phụ nữ thích trang điểm, làm đẹp bằng các loại mỹ phẩm. Nhưng hàng mỹ phẩm trong các siêu thị mỹ phẩm danh tiếng có giá bán khá cao, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để mua sử dụng thường xuyên. Trong khi đó, hàng mỹ phẩm tại các cửa hàng bình dân, rao bán trên các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội có giá mềm và dễ chọn, dễ mua. Nhưng sử dụng thì cũng lo có phải là hàng thật, có bị ảnh hưởng sức khỏe hay không? Nếu như, công tác quản lý kinh doanh các mặt hàng này trên thị trường phổ thông được cơ quan chức năng kiểm soát tốt, thì người tiêu dùng yên tâm hơn!”.

Đối với lĩnh vực dược liệu, đa số các phòng chẩn trị y học cổ truyền kinh doanh dược liệu với số lượng ít, khi kiểm tra không còn nguyên vẹn bao bì nhãn mác, chỉ kiểm tra chất lượng các vị thuốc qua cảm tính. Việc lấy mẫu dược liệu và xử lý trong trường hợp dược liệu vi phạm chất lượng còn gặp vướng mắc, do đặc thù của dược liệu rất khó truy tìm được nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, nhân lực của các lực lượng chuyên ngành còn mỏng, địa bàn quản lý rộng và phải đảm đương nhiều nhiệm vụ nên tần suất kiểm tra, hậu kiểm ít, dẫn đến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền chưa cao. 

“Để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, Cục QLTT tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế ban hành quy chế và các tiêu chuẩn để lấy mẫu mỹ phẩm; mở các lớp đào tạo và cấp thẻ kiểm soát viên chất lượng trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong quy trình thanh tra, kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn”, ông Lê Quang Hải cho hay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

 

;
.