Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 26/09/2019, 20:33 [GMT+7]
In bài này
.

Chế biến hải sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện Long Điền nhiều năm qua. Tuy nhiên, hoạt động này lại gây ra nhiều vấn nạn về ô nhiễm môi trường, tạo áp lực cho huyện Long Điền trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường để hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020.

Cảng cá Hưng Thái đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn để tiếp nhận thêm ghe tàu và các cơ sở  phân loại hải sản trên địa bàn huyện về đây hoạt động.
Cảng cá Hưng Thái đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn để tiếp nhận thêm ghe tàu và các cơ sở phân loại hải sản trên địa bàn huyện về đây hoạt động.

“VƯỚNG” TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG

Long Điền là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đề án xây dựng huyện NTM giai đoạn 2018-2020. Để đạt được tiêu chí huyện NTM, huyện phải có 100% xã đạt chuẩn NTM và đạt 9 tiêu chí (gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế-văn hóa-giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng NTM). Chiếu theo quy định này, đến nay, huyện Long Điền đã có 5/5 xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành 6/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM. Tuy nhiên, trong 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, môi trường và an ninh trật tự thì tiêu chí về môi trường đang là áp lực lớn nhất đối với huyện.

Ông Nguyễn Văn Quý, chuyên viên Văn phòng điều phối NTM (Sở NN-PTNT) cho biết, đối với tiêu chí môi trường, huyện xây dựng NTM phải đáp ứng được 2 yêu cầu: Có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt tiêu chuẩn theo quy định và cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực-thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Long Điền, nhiều cơ sở chế biến hải sản ở khu vực ao Hải Hà và khu vực Cầu Trắng (TT. Long Hải) chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, có mặt tại ao Hải Hà (thuộc khu phố Hải Hà, TT. Long Hải), chúng tôi ghi nhận, trên chiều dài gần 1km bãi biển vẫn còn nhiều rác thải từ các loại thùng xốp, giỏ cần xé, chai nhựa, túi nilon, hộp xốp, mành lưới… đến các loại nệm cao su, đồ gỗ phủ kín mặt cát. Dọc theo bãi biển, nhiều rãnh nước nhỏ đen kịt, mùi tanh hôi bắt nguồn từ những cơ sở chế biến hải sản phía trong chảy xuống biển. Ông Nguyễn Văn Út, người dân sống tại đây cho biết, mặc dù huyện Long Điền đã nhiều lần tổ chức lực lượng dọn dẹp rác nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy. “Nhiều lúc rác chồng chất, ruồi muỗi sinh sôi, các hộ buôn bán tại bến cá phải góp tiền thuê người dọn dẹp bớt nhưng chỉ giảm được phần nào”, ông Út nói.

Theo ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, trên địa bàn huyện hiện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải như: Thủy sản, chăn nuôi, du lịch… Trong đó, phát sinh nhiều chất thải và gây ô nhiễm môi trường nhất là chế biến thủy sản. 

Thống kê mới nhất của UBND huyện Long Điền cho biết: Trên địa bàn huyện có 104 cơ sở chế biến hải sản, tập trung tại các xã, thị trấn ven biển như: Long Hải, Phước Hưng, Phước Tỉnh và một số cơ sở nằm trong khu dân cư, quanh các khu vực Cảng cá Tân Phước, Phước Hiệp (thuộc xã Phước Tỉnh), Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (thuộc xã Phước Hưng). Các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn huyện chủ yếu hình thành từ trước năm 1993 đến nay, có quy mô nhỏ lẻ, do hộ gia đình, cá nhân làm chủ nên hầu hết không đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường. Một số ít cơ sở có đầu tư công trình xử lý chất thải nhưng vận hành không đầy đủ, mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý, xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường. “Chính những tồn tại trên đã tạo áp lực lớn cho huyện trong quá trình phấn đấu đạt các tiêu chí của huyện NTM vào năm 2020”, ông Phúc nhấn mạnh.

ĐẦU TƯ HỆ THỐNG THU GOM, XỬ LÝ NƯỚC THẢI

Trong khi chờ khu chế biến hải sản tập trung tại xã An Ngãi được đầu tư xây dựng, ngày 4/9/2019, UBND huyện Long Điền đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án thu gom và xử lý nước thải tại khu vực ao Hải Hà và khu vực Cầu Trắng nhằm đạt tiêu chí về môi trường để được công nhận huyện NTM vào năm 2020. Quy mô dự án theo đề xuất của huyện có chiều dài 1.550m, cống hộp 2mx2m và hệ thống xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30 tỷ đồng. Ông Trần Kim Phúc cho biết thêm, đề xuất trên hiện chưa được UBND tỉnh phê duyệt, do đó, huyện Long Điền sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đạt được 9 tiêu chí theo quy định. Đối với tiêu chí về môi trường, ngoài việc tập trung chỉ đạo nâng cao ý thức BVMT cho người dân, huyện còn triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến hải sản. Cụ thể, UBND huyện Long Điền đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT đến từng cơ sở chế biến hải sản. Đồng thời yêu cầu tất các các cơ sở chế biến thủy sản ký cam kết BVMT, trong đó bảo đảm tất cả chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động như nước thải, khí thải, chất thải rắn… phải được thu gom, xử lý theo quy định; nghiêm cấm việc chất thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường. Đến nay đã có 70% cơ sở chế biến hải sản đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải; 100% cảng cá đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Song song đó, huyện cũng đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư cụm chế biến thủy sản tập trung tại xã An Ngãi để di dời các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện tập trung về một mối để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn.

Với các giải pháp đồng bộ như trên, UBND huyện Long Điền đang nỗ lực đến năm 2020 sẽ hoàn thành 9 tiêu chí trong đó có tiêu chí về môi trường để đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
Công ty thu mua đồng phế liệu Hòa Bình
.